Kinh tế toàn cầu năm 2020: Từ góc nhìn dự báo
Năm 2019, thế giới trải qua những biến động phức tạp khó lường về an ninh nói chung, trong đó có an ninh kinh tế, khiến các tổ chức kinh tế - tài chính thế giới và khu vực buộc phải điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng. Năm 2020, được dự báo kinh tế toàn cầu tuy có một vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục “bấp bênh, ảm đạm”.
Từ sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng...
Cho đến nay các tổ chức kinh tế lớn như: OECD, WTO, ECLAC, IMF, WB, ADB,... đều đưa ra các dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020. Cách tiếp cận, phân tích, đánh giá và dự báo của mỗi tổ chức tuy có sự khác nhau, nhưng đều có điểm chung là nhận định: tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục “suy giảm”, “bấp bênh” bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là thương chiến Mỹ - Trung kéo dài và ẩn chứa nhiều nguy cơ.
OECD và IMF đều dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng giảm sút, nhưng mức tăng có sự khác nhau với 2,9% và 3,4% cho năm 2020. WTO sau khi hạ dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống chỉ còn một nửa và dự báo năm 2020 là 2,7%, giảm so với mức 3% trước đó.
Đối với Mỹ Latin ngày 11/11/2019, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của LHQ (ECLAC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2019 còn 0,1% và năm 2020 là 1,4%, bởi 17/20 quốc gia có tốc độ chậm lại. Với châu Á, ngày 11/12/2019 ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 5,2% cho cả 2 năm 2019 và 2020.
Điều đáng chú ý là, cả OECD và IMF đều nhận định kinh tế thế giới năm 2021 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi với mức tăng chỉ là 3,0%, thậm chí, IMF cho rằng, “kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ năm 2008-2009”, còn Tổng giám đốc WTO lại đánh giá triển vọng là “không mấy tươi sáng”.
Theo IMF, kinh tế Mỹ năm 2020, tuy mức tăng trưởng sụt giam chỉ còn 2,0% - 2,1%, thấp hơn năm 2019, nhưng vẫn được đánh giá là “điểm sáng” trên vũ đài kinh tế toàn cầu. Với ADB trong khi hạ dự báo khu vực, nhưng lại nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020. Còn WB lại tỏ ra lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế của Nga với 1,6% cho năm 2020 và 1,8% cho năm 2021.
Đối với các nước và khu vực khác như: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Anh, Eurozone... cũng tăng trưởng chậm lại. Theo đó, khu vực Eurozone năm 2020 chỉ tăng ở mức 1,4%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó. Đức và Anh cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 1,2% và 1,4% trong năm 2020.
Đến những rủi ro cho nền kinh tế...
Theo giới nghiên cứu, dự báo năm 2020 sẽ có một số rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Sự kiện bầu cử ở Mỹ, liên quan đến sự phân hóa giàu nghèo, việc đảng Dân chủ đưa ra chính sách tăng thuế đối với những người giàu; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết; và sự không rõ ràng trong các chính sách, khiến giới đầu tư và người tiêu dùng quan ngại. Những rủi ro đối với thị trường năm 2020 có thể được phân ra các nhóm sau:
Về chính trị - xã hội: Sự gia tăng bất bình đẳng của cải, thu nhập và chăm sóc y tế; bầu cử Tổng thống tác động đến chính sách thuế, quản lý Nhà nước và đầu tư tài sản cố định; nhà đầu tư nước ngoài quay lưng lại với thị trường tín dụng và trái phiếu chính phủ Mỹ sau cuộc bầu cử; sự kiện luận tội Tổng thống Trump và nguy cơ Chính phủ bị đóng cửa.
Về quan hệ thương mại. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2 vẫn đang trong quá trình đàm phán, tiếp tục gây bất ổn, kiềm chế đầu tư tài sản cố định; vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số, các quy định chống độc quyền, bảo hộ quyền riêng tư... dẫn đến gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh EU.
Sự tăng trưởng chậm lại ở các nước. Trung Quốc, EU, Nhật Bản, việc Fed giữ nguyên lãi suất trong năm bầu cử... khiến đồng USD liên tục lên giá; Mỹ và EU có thể mở rộng chính sách tài khóa và lãi suất đáo hạn dài kỳ; Cung – cầu trái phiếu chính phủ Mỹ mất cân đối trong lãi suất giao dịch mua, bán lại chứng khoán có kỳ hạn (repo) gây ra; sự phân biệt giữa xếp hạng tín dụng tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng rõ nét hơn.
Về giá trị chứng khoán. Với nợ lãi suất âm tăng lên khiến nhà đầu tư toàn cầu trở lại cuộc săn tìm lãi suất tín dụng Mỹ; Lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm dẫn tới chi tiêu cho mua lại cổ phiếu giảm sút; ngành công nghiệp ô tô toàn cầu tụt dốc; giá nhà ở Australia, Canada và Thụy Điển rơi tự do; bất ổn liên quan đến Brexit, khiến gia tăng rủi ro cho thị trường toàn cầu. Ngoài ra những nhân tố an ninh phi kinh tế như: quân sự, chính trị, ngoại giao và môi trường... cũng tác động xấu đến an ninh kinh tế toàn cầu.
Và những tác động không mong muốn
Theo giới chuyên gia, tác nhân lớn và xuyên suốt nhất trong năm 2020 đối với an ninh kinh tế toàn cầu là cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Bởi đây là cuộc chiến giữa 2 cường quốc nhằm giữ và giành ngôi vị số 1 trong trật tự thế giới mới đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình. Vì thế, các kịch bản cho hồi kết hiện vẫn khó đoán định. Tuy nhiên, năm 2020 giới chuyên gia cũng đưa ra dự báo các kịch bản như sau:
Một là, Cuộc thương chiến Mỹ-Trung được kiểm soát. Theo đó, 2 bên sau khi ký thỏa thuận giai đoạn 1 và định hướng đàm phán giai đoạn 2 nhằm vào các bất đồng mang tính cốt lõi. Kịch bản này sẽ giúp thúc đẩy triển vọng kinh tế toàn cầu, qua việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng, khiến kinh tế thế giới có thể được cải thiện ít, nhiều.
Hai là, Thương chiến chuyển hóa thành chiến tranh công nghệ. Theo đó, 2 bên đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, nhưng gác lại định hướng đàm phán tiếp theo. Sự “đình chiến” để chuẩn bị cho cuộc đấu mới với lý do an ninh quốc gia. Theo đó, Nhà Trắng sẽ chặn đà bành trướng của Huawei. Đây là kịch bản sẽ dẫn tới sự “ảm đạm” của các nền kinh tế lớn và tác động toàn cầu.
Ba là, Cuộc chiến tranh hỗn hợp. Theo đó, thỏa thuận thương mại (giai đoạn 1) bị suy yếu, trong khi 2 bên không đạt được định hướng đàm phán dài hạn. Thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ sẽ cản trở đầu tư nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu. Khiến kinh tế thế giới phải hứng chịu các hậu quả tồi tệ nhất, đặc biệt khi Mỹ viện tới các công cụ quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao... để kiềm chế sự đáp trả của Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là sự cọ sát giữa 2 đại chiến lược nước Mỹ trên hết và Trung Quốc soán ngôi số 1 vào năm 2035. Vì thế, lời cảnh báo của IMF về nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào giai đoạn “giảm tốc đồng bộ”, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đi chệch khỏi kịch bản 1, thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Như vậy, năm 2020 được dự báo tiếp tục là một năm ghi dấu ấn của chính sách “Nước Mỹ trên hết” và tham vọng “Ngôi vị số một thế giới của Trung Quốc”, cùng với sự điều chỉnh chiến lược và chính sách của các cường quốc thế giới, khu vực... khiến cho nền kinh tế toàn cầu tiếp tục “ảm đạm và bấp bênh”. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, an ninh kinh tế toàn cầu sẽ diễn biến hết sức phức tạp và sự bất ổn có thể còn kéo dài sang cả năm 2021 là có cơ sở.