Bắc Kinh tìm kiếm trật tự tài chính mới sau Bretton Woods

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Khởi xướng Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cùng tham vọng về một đồng Nhân dân tệ (NDT) được sử dụng ở cấp độ toàn cầu, Trung Quốc đang đi tiên phong trong nỗ lực đặt dấu chấm hết cho một trật tự kinh tế cũ với sức mạnh và đồng tiền Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thương mại và tài chính quốc tế đang chứng kiến sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển, đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh đang sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trên toàn cầu để tạo ra một trật tự kinh tế mới, trong đó đồng USD không còn có vai trò tối cao. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã nhiều lần kêu gọi chuyển sang một hệ thống tiền tệ quốc tế mới, cho phép sử dụng nhiều đồng nội tệ trong thanh toán và đầu tư. Một cách tiếp cận như vậy sẽ làm giảm nguy cơ và tác động của các cuộc khủng hoảng thanh khoản, trong khi tách được hệ thống tiền tệ quốc tế khỏi “các điều kiện kinh tế và lợi ích quốc gia của bất kỳ một nước nào”.

Từ năm 2009, Bắc Kinh theo đuổi hàng loạt chính sách khuyến khích việc sử dụng đồng NDT trong buôn bán khu vực và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào đồng USD trong thanh toán quốc tế. Nhưng việc mở rộng vai trò của đồng NDT trong hệ thống tiền tệ toàn cầu chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc thể chế hóa một trật tự thế giới đa cực. Trung Quốc cũng đang đi đầu trong việc thành lập những thể chế đa phương mới, như AIIB, sau khi thành lập Ngân hàng Phát triển Mới cùng các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi).

Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ AIIB - chủ yếu hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Á. Tuy nhiên, theo giới phân tích, AIIB với sự góp mặt của các cường quốc kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, được coi là nhằm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - vốn là sân chơi của các cường quốc già nua là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Việc thành lập AIIB là một động thái nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, ước tính lên tới 8.000 tỷ USD trong giai đoạn 2010 - 2020. Tuy nhiên, ngoài mục đích kinh tế, việc thành lập AIIB cũng sẽ giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực. Theo thỏa thuận hiện nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chủ yếu chịu trách nhiệm cung cấp vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng và các dự án phát triển khác ở châu Á. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ADB là rất hạn chế, trong khi Mỹ và Nhật Bản lại chi phối định chế này.

Trước sự tấn công của Trung Quốc, Mỹ đã thể hiện sự lo ngại của mình. Tuy nhiên, Washington chỉ có thể tự trách mình. Các thể chế tài chính quốc tế hiện nay đều được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và chịu sự chi phối của Mỹ. Các chức vụ Chủ tịch WB, Tổng giám đốc IMF lần lượt do Mỹ và châu Âu đảm nhận, trong khi chức Chủ tịch ADB thuộc về Nhật Bản, đây được coi là một quy tắc bất thành văn. Có một thực tế, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu rất nhiệt tình đối với các vấn đề có lợi cho họ, song lại thiếu sự quan tâm đối với châu Á, và điều này làm gia tăng tâm lý bất bình của các nước ở châu Á.

Thêm vào đó, trong nhiều năm qua, Quốc hội Mỹ đã từ chối phê chuẩn các chương trình cải cách quan trọng IMF, được đưa ra từ năm 2010, theo hướng tăng hạn ngạch cho các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc. Là cổ đông lớn nhất của IMF hiện nay, Washington đã tìm mọi cách trì hoãn những cải tổ này và hứng chịu nhiều chỉ trích của các nước đồng minh và đối thủ.

AIIB không chỉ là một mặt trận của Trung Quốc thách thức cấu trúc kinh tế toàn cầu xoay quanh trục Mỹ đã lỗi thời mà đây là bệ phóng cho chiến lược quốc tế hóa đồng NDT. Sau nhiều thập kỷ kiểm soát chặt, đồng NDT của Trung Quốc giờ đây đang được quốc tế hóa mạnh mẽ và Bắc Kinh đã mạnh dạn đề nghị đồng nội tệ của mình được đưa vào giỏ các đồng tiền chính của IMF. Trung Quốc đặt mục tiêu hiện thực hóa tham vọng này vào năm 2016, từ đó củng cố vị thế của nước này trong IMF.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định Bắc Kinh đã lựa chọn thời điểm thích hợp để thúc đẩy các tham vọng của mình. Giai đoạn hiện nay, khi Trung Đông chìm đắm trong bạo lực với nguy cơ khối Ảrập đang tiêu diệt chính mình, châu Âu chật vật tìm kiếm cách tăng trưởng, Mỹ chưa chắc chắn cho sự phục hồi. Từ Brazil tới Nga, các nước mới nổi vẫn “vật vã” lần bước tìm đường phát triển. Chớp thời cơ đó, đế chế Trung Hoa dần dần áp đặt sự “lãnh đạo” của mình, ít nhất là trong các lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không thể từ bỏ hệ thống Bretton Woods gồm các ngân hàng phát triển đa phương. Cách thức của Trung Quốc là lợi dụng WB và IMF khi có trong tay nhiều phương tiện để tác động tới các thể chế này trong khi chưa thể ngay lập tứác định hình lại trật tự kinh tế thế giới mà đặc biệt khi đồng USD tiếp tục là đồng tiền chi phối.