Bạc Liêu gặp khó trong nhân rộng mô hình nuôi tôm VietGAP
Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm gần 130.000 ha, trong đó, nuôi thâm canh và bán thâm canh trên 19.000 ha (tôm sú trên 13.500 ha, tôm thẻ chân trắng trên 5.500 ha). Từ năm 2012, tỉnh đã triển khai thực hiện tiêu chuẩn VietGAP nhưng kết quả đến nay còn hạn chế.
Hiệu quả kinh tế cao
Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Việc triển khai dự án khuyến nông xây dựng mô hình nuôi tôm theo VietGAP đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua, góp phần vào việc khống chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sau 3 năm (từ năm 2013 đến năm 2015) triển khai thực hiện VietGAP tại thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và Đông Hải được trên 18 ha. Trong đó, có 10,8 ha ao nuôi ở 9 hộ, sản lượng đạt 59.096 kg, giá trị 8.581.151.000 đồng, lợi nhuận gần 36%.
Tôm sú có 7,2 ha, sản lượng 24.420 kg, giá trị 4.434.940.000 đồng, lợi nhuận 1.878.882.000 đồng. Năng suất trung bình 3.392kg/ha. Còn tôm thẻ chân trắng 3,6 ha, sản lượng 34.676 kg, giá trị 4.146.211.600 đồng, lợi nhuận 1.189.721.000 đồng. Năng suất bình quân 9.632 kg/ha, giá thành sản phẩm cao hơn so với giá bình thường 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Thông qua tập huấn kỹ thuật, hội thảo tổng kết đã giúp trên 770 lượt nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm và áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của con tôm, phát triển nuôi trồng ổn định, hiệu quả khá bền vững.
Theo ông Lê Quí Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch Sở NN&PTNT Bạc Liêu, thực hành VietGAP không những có giá trị về kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nghề nuôi tôm. VietGAP khuyến khích áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý đảm bảo môi trường nuôi sạch, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đáng chú ý là hạn chế sử dụng những sản phẩm có yếu tố độc hại đối với môi trường (thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất, kháng sinh) từ đó hạn chế dịch bệnh, không có chất độc hại tồn lưu trong sản phẩm. Vùng nuôi tôm VietGAP phát triển bền vững, tạo ra các sản phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe của người trực tiếp sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Khó khăn nhân rộng mô hình
Tuy nhiên, việc nhân rộng VietGAP đang gặp nhiều khó khăn do người nuôi đã quen với tập quán sản xuất cũ, dựa vào kinh nghiệm và điều kiện thực tại. Kinh tế hộ không đồng đều, quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết, đầu tư chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh mặc dù đã cải thiện nhưng còn thiếu và yếu, hệ thống lưới điện 3 pha phục vụ sản xuất, hệ thống giao thông bộ, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng với yêu cầu của VietGAP. Còn thiếu sự vào cuộc của các bên liên quan và tham gia của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Cuối cùng, tuy có nhiều chính sách hỗ trợ cho người sản xuất theo VietGAP nhưng lại đến rất chậm.
Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu, cho rằng, với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động người nuôi tuân thủ quy hoạch, hình thành tổ nhóm sản xuất theo hình thức cộng đồng, hướng dẫn quy trình sản xuất tốt, thường xuyên theo dõi kiểm tra, nhắc nhở, tư vấn về sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đối với người nuôi, cần tuân thủ theo quy hoạch, tích cực tham gia vào tổ nhóm hợp tác, mạnh dạn đầu tư cũng như kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và tự tin đảm bảo chất lượng sản phẩm mình làm ra sạch và có đối tác bao tiêu với giá cả hợp lý.
Cũng theo ông Khởi, đối với doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, tạo lòng tin cho khách hàng về giá trị, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành tăng lợi nhuận để từ đó có chính sách hỗ trợ người nuôi. Chỉ từ thị trường tôm VietGAP được mở rộng thì đầu tư mở rộng nuôi trồng mới bền vững.
Sau khi hình thành được chuỗi liên kết sản xuất giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngân hàng cần mạnh dạn đầu tư, hỗ trợ người sản xuất kinh doanh thực hiện thuận lợi các kế hoạch phát triển.