Mô hình tôm - lúa phát triển ổn định và bền vững cao
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, mô hình tôm - lúa phát triển khá ổn định và thể hiện tính bền vững cao.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mô hình tôm - lúa hiện đang được ưu tiên phát triển nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Mô hình luân canh một vụ tôm, một vụ lúa đã được nhận diện là mô hình thủy sản bền vững và hạn chế rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác.
Mô hình tôm - lúa hiện nay chủ yếu phát triển mạnh tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… với tổng diện tích tiềm năng khoảng 250.000 ha. Đến nay, toàn vùng đạt 160.000 ha, năng suất đạt từ 300-500 kg/ha, sản lượng trên 60.000 tấn/năm.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục tiêu phát triển 200.000-250.000 ha tôm - lúa, sản lượng tôm thương phẩm 100.000-150.000 tấn, nông dân sẽ có doanh thu trên 20.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu có sự đầu tư và khai thác hết các tiềm năng lợi thế.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, 9 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thả nuôi được hơn 650.000 ha tôm nước lợ, với lượng tôm giống là 80 tỉ con, sản lượng thu hoạch gần 320.000 tấn. Tuy nhiên, người nuôi tôm nước lợ đang gặp nhiều khó khăn từ thời tiết và thị trường. Cụ thể, người nuôi gặp nhiều khó khăn như điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá thị trường không ổn định, dịch bệnh xảy ra liên tục gây thiệt hại trên tôm nuôi, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ 9 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ.
Chẳng hạn, đối với diện tích nuôi tôm sú, một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như Cà Mau giảm 15,4%, Trà Vinh giảm 3,5%, Sóc Trăng giảm 22%. Đối với diện tích tôm thẻ chân trắng, diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long 9 tháng đầu năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, diện tích ước đạt 52.672 ha, giảm 8,9%; sản lượng ước đạt 139.086 tấn, giảm 16,9%. Trong đó, Trà Vinh diện tích giảm 10,6%, sản lượng giảm 28,2%...