Lời giải nào cho bài toán thiếu cát sông ?
Bài 1: Triển khai các tuyến cao tốc còn chậm do thiếu cát
“Đói” cát khiến việc thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai ì ạch, điều này đặt các nhà quản lý, nhà khoa học nhanh chóng vào cuộc tìm giải pháp thay thế. Việc triển khai đồng loạt nhiều dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL đẩy nhu cầu cát tăng cao, khiến các nhà thầu rơi vào thế khó khi cung không đủ cầu.
Mỏi mòn… chờ cát
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) có tổng chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.520 tỉ đồng. Đoạn cao tốc này được chia làm hai dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án đạt tỷ lệ cao. Trong đó, tuyến cao tốc đã bàn giao khoảng 110km, đạt tỷ lệ 99%, còn tuyến nối đã bàn giao được hơn 23km, đạt tỷ lệ 90%.
Về tình hình thi công, hiện cả hai dự án thành phần của Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đều tổ chức triển khai thi công đồng loạt với khoảng 140 mũi thi công, 440 đầu máy thiết bị và hơn 1.000 nhân sự. Các đơn vị đang thi công phát quang, đào hữu cơ, đắp cát nền đường, thi công móng cọc cầu, đổ bê tông mố trụ, đúc dầm...
Thống kê đến thời điểm này, tổng giá trị sản lượng xây lắp cao tốc Cần Thơ - Cà Mau gần 2.480 tỉ đồng, đạt 13% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, thời tiết xấu, triều cường dâng cao, một số vị trí còn vướng mặt bằng thi công cầu nên ảnh hưởng tiến độ. Mặt khác, một vài nhà thầu còn chậm huy động máy móc thiết bị thi công tại một số vị trí đã có mặt bằng sạch; chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là đắp cát vào đường công vụ thay vì tuyến chính.
Chủ đầu tư cũng nêu ra một số khó khăn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cụ thể, công tác bàn giao nền tái định cư cho hộ dân còn chậm, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang. Từ đó, nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm, nhất là lưới điện cao thế, đến nay, vẫn chưa triển khai di dời.
Chủ đầu tư cho hay, nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn, hơn 18 triệu m3. Thời gian qua, các địa phương mới chỉ bố trí được khoảng 3 triệu m3 và thực tế nhà thầu tiếp nhận về công trường chỉ được khoảng hơn 700.000m3. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục mở mỏ mới còn chậm, khó đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án.
Còn đối với dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1, theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh, lũy kế vốn đến thời điểm hiện tại là 1.334,5 tỉ đồng. Đã giải ngân được 940,8 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 72,5%.
Về tình hình triển khai thi công, hiện nay gói thầu xây lắp số 1 đã khởi công, nhà thầu đã triển khai 11 mũi thi công các hạng mục như: Đào đất hữu cơ, thi công đường công vụ, tập kết máy móc thiết bị vào công trường. Tập kết máy móc thiết bị chuyên dùng vào các công địa tại các cầu lớn trên tuyến. Triển khai đóng cọc các cầu KH9, Xà No, cầu vượt Quốc lộ 61C, cầu Nàng Mau 2, cầu Thới An. Tập trung đúc cọc các cầu đã có kết quả đạt yêu cầu về cọc thử. Khối lượng thực hiện đến nay khoảng 20 tỉ đồng. Nhìn chung đến nay, việc triển khai dự án đang cố gắng bám sát theo các mốc thời gian trong kế hoạch. Tuy nhiên, công tác triển khai còn chậm so với dự kiến.
Ông Dương Đình Tuấn - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 10, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: Về mỏ cát, vừa qua cũng được chỉ đạo, trực tiếp hỗ trợ của UBND tỉnh An Giang, Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang. Hiện nay, tỉnh An Giang cũng đã cấp cho nhà thầu trực ngang mỏ cát và đang làm thủ tục để khai thác. Riêng mỏ cát thứ 2 mua ở tỉnh Vĩnh Long cũng đã có quyết định 300.000 khối. Ngoài ra, vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang cũng làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về việc hỗ trợ cát làm đường cao tốc. Đơn vị đang làm thủ tục, cố gắng sớm nhất để khai thác.
“Đơn vị chủ động tìm kiếm thêm một số mỏ, báo cáo với Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang, để sở tham mưu với tỉnh xin mỏ cát, phục vụ cho cao tốc trục ngang. Cụ thể là có thêm mỏ khoảng 500.000 khối ở tỉnh Vĩnh Long”, ông Dương Đình Tuấn thông tin thêm.
Điều phối hiệu quả
Khảo sát tại các điểm kiểm tra tình hình thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) vào ngày 16/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá dự án hiện đang bị chậm tiến độ, do đó, các đơn vị thi công cần phải triển khai “ba ca, bốn kíp”, huy động thiết bị, máy móc tập trung để thi công. Trong đó, cần ưu tiên làm đường công vụ, cầu vượt, nút giao...
Đối với vấn đề nguồn vật liệu cát, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đây là khó khăn lớn nhất trong thi công cao tốc hiện nay. Đến nay, dù các địa phương cam kết sẽ hỗ trợ, điều phối các mỏ cung cấp cát cho dự án, thế nhưng khối lượng cát về công trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh tăng cường cung cấp cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
“Đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng lại đường găng tiến độ của dự án, gắn liền với nguồn vật liệu cát theo từng giai đoạn. Ngoài tiến độ chung, phải làm tiến độ riêng cho từng gói thầu, một ngày phải lấy bao nhiêu cát mới đảm bảo cho việc thi công... Ngoài ra, nếu gói thầu đã đủ cát thì tính toán đến việc điều phối, hỗ trợ cho các nhà thầu thi công ở đoạn khác. Tránh trường hợp gói thầu này thiếu cát nhưng gói khác thừa cát”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, lưu ý.