Thu hút FDI và mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số:

Bài 2: Giải quyết những thách thức hiện hữu

Hiếu Phương

Cùng với các cơ hội sáng trong bối cảnh mới, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức hiện hữu, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ để giải quyết được các vấn đề tồn tại, đáp ứng được nhu cầu của giai đoạn bứt phá.

Cùng với các cơ hội sáng trong bối cảnh mới, hoạt động thu hút FDI vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức
Cùng với các cơ hội sáng trong bối cảnh mới, hoạt động thu hút FDI vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức

Thách thức song hành 

GS., TSKH. Nguyễn Mại - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE) đã chỉ ra những thách thức lớn mà hoạt động thu hút FDI sẽ phải đối mặt năm 2025, trong bối cảnh những biến động phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới đặt ra đối với tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung.  

Theo đó, về chính trị, cuộc xung đột leo thang tại Trung Đông, châu Phi vẫn tiếp diễn gây thiệt hại cho nền kinh tế một số nước, tác động tiêu cực đến kinh tế các nước khác, khiến các quốc gia buộc phải tăng tỷ trọng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh để chủ động ứng phó với mối đe dọa sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Về kinh tế, sự đứt gãy một số chuỗi cung ứng sản phẩm làm cho giá cả năng lượng, nguyên liệu, lương thực, hàng tiêu dùng biến động thất thường, chi phí logistics vận tải biển gia tăng, tác động đến các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, nhất là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.

Về điều kiện tự nhiên, năm 2025, bên cạnh các tác động tiêu cực của tình hình chính trị, kinh tế, thị trường thế giới, dự báo nước ta cũng tiếp tục phải ứng phó với thiên tai gắn với biến đổi khí hậu, có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề hạn chế và bất cập nội tại chưa được giải quyết hữu hiệu vẫn là những rào cản thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, từ đó, tác động tới hoạt động thu hút FDI. Đó là vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng, tốc độ cải thiện môi trường đầu tư còn chậm so với yêu cầu và so với các nước trong cùng khu vực trong cuộc đua thu hút FDI ngày càng quyết liệt.

Theo các chuyên gia, những nơi có cải cách hệ thống hạ tầng tốt, thì vẫn là nơi thu hút được nhiều dòng vốn FDI chất lượng nhất, như: TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, điều đặt ra vấn đề về cải cách kịp thời hệ thống cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

“Chúng ta không thể mời gọi các nhà đầu tư vào các vùng còn kém phát triển về cơ sở hạ tầng, do đó, để có thể mở rộng thu hút đầu tư vào các tỉnh vùng sâu vùng xa hơn, đòi hỏi cần có chiến lược đầu tư nhiều hơn cho miền núi, như: đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, dịch vụ viễn thông, cũng như đào tạo nguồn nhân lực và công nhân lành nghề. Đây là vấn đề mang tính chiến lược của thu hút đầu tư quốc gia hiện nay”, GS. TSKH. Nguyễn Mại nhận định.

Đồng bộ các giải pháp tăng sức cạnh tranh môi trường đầu tư

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, các chuyên gia cho rằng cần có cách tiếp cận mới một cách có chọn lọc và hiệu quả hơn trong thu hút FDI để đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, cần có cách tiếp cận mới để thu hút được nguồn vốn FDI xanh hơn và tinh hơn.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, cần có cách tiếp cận mới để thu hút được nguồn vốn FDI xanh hơn và tinh hơn.

Xu thế thay đổi, biến động ngày càng nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc định hình lại chính sách thu hút FDI, đòi hỏi phải có chiến lược chọn lọc, định hướng với mục tiêu tập trung thu hút dòng vốn FDI xanh, đầu tư vào công nghệ mới, công nghệ nguồn, các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tính kết nối chuỗi với công nghiệp nền tảng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, đã đến lúc Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và nâng cấp chuỗi giá trị thay cho chiến lược cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp.

Nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải giải quyết vấn đề sơ sở hạ tầng và nhân lực, GS Nguyễn Mại cho rằng trong xu hướng thu hút đầu tư mới, nhất là đầu tư vào ngành công nghệ bán dẫn và công nghệ tương lai, các nhà đầu tư lớn đòi hỏi hội đủ nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng như giao thông, thông tin liên lạc, đặc biệt cần phát triển được ngành Công nghiệp năng lượng xanh sạch như: điện mặt trời, điện gió để đảm bảo nguồn cung năng lượng sạch đầy đủ và sẵn sàng. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng được ngành sản xuất chip bán dẫn và các thiết bị điện tử thông minh, công nghệ nguồn và xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, cần phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho thu hút FDI thế hệ mới. Theo đó, việc đào tạo được 50 nghìn kỹ sư, chuyên gia là nền tảng hết sức rất quan trọng, đòi hỏi chú trọng chất lượng đầu vào, tuyển chọn người thực sự có năng lực, tâm huyết và có đam mê với nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là các thủ tục để giảm thời gian cấp phép cho nhà đầu tư, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.