Loạt bài: Để trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp
Bài 3: “Mở khoá” thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Để bên có tiền và bên cần vốn gặp nhau, tạo ra lợi ích chung, trước tiên phải có sự tin tưởng dựa trên thông tin minh bạch và bối cảnh hạ tẩng thị trường phát triển đầy đủ. Đó cũng là chìa khóa để tận dụng tối ưu dư địa rộng lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam.
Minh bạch – cánh cửa kết nối bên bán và bên mua
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch FiinRatings, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là vốn trung và dài hạn là rất lớn và nhu cầu của nhà đầu tư cũng luôn có vì những người có tiền luôn mong muốn cơ hội đầu tư tốt. Tuy nhiên, niềm tin giữa bên có tiền và bên cần vốn đã bị suy giảm sau sự vụ của một số doanh nghiệp làm sai quy định (đã bị xử lý theo pháp luật). Do đó, muốn ổn định lại thị trường, để TPDN là kênh dẫn vốn quan trọng trong trung và dài hạn, giảm tải sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trước hết cần có sự tin tưởng của nhà đầu tư vào TPDN.
Sự tin tưởng của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài luôn được đặt vào một thị trường minh bạch, xếp hạng tín nhiệm rõ ràng, có cơ chế xử lý tài sản đảm bảo khi doanh nghiệp gặp khó khăn không thể đáp ứng được nghĩa vụ nợ hoặc thậm chí phá sản…
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Ngô Thế Triệu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring (đơn vị đang quản lý danh mục của Prudential với tổng tài sản là khoảng 7 tỷ USD) cho biết, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm muốn tăng tỷ trọng đầu tư vào TPDN trong bối cảnh trái phiếu Chính phủ có lãi suất tương đối thấp, đồng thời phải đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho người mua bảo hiểm. Do đó, về lâu dài, TPDN là một kênh đầu tư tốt để tăng lợi tức cho danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn e ngại đầu tư vào TPDN là việc minh bạch thông tin từ phía đơn vị phát hành. Do đó, việc xếp hạng tín nhiệm TPDN là một yếu tố quan trọng để giúp mở cảnh cổng đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Còn ở góc độ đơn vị phát hành, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Techcombank cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính đã tạo cơ sở rất tốt cho thị trường, từ việc có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung đến các quy định tăng tính minh bạch của thị trường. Thanh khoản của thị trường cũng sôi động hơn, nhà đầu tư giao dịch trái phiếu chứ không chỉ mua để nắm giữ chờ đến kỳ hạn thanh toán như trước.
Bên cạnh đó, theo bà Hiền, thị trường cần có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín để giúp tăng niềm tin nhà đầu tư đối với trái phiếu của doanh nghiệp. Với những nỗ lực của các bên, bà Hiền cho rằng dù khó nhưng vẫn có thể sớm "mở khoá" thị trường TPDN.
“Quá trình lấy lại niềm tin của nhà đầu tư rất quan trọng. Ngoài tổ chức phát hành và nhà đầu tư, thị trường cũng rất cần vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hay bảo lãnh trái phiếu”, bà Hiền nhận định.
Cải thiện hạ tầng để khai thông kênh dẫn vốn
Quy mô kênh TPDN ước đạt 11% GDP vào cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp khi Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng quy mô của thị trường này lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì cần thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn, trong bối cảnh quy mô thị trường TPDN còn khiêm tốn và biến động mạnh.
Ông Paul Coughlin - Chủ tịch Hội đồng Xếp hạng tín nhiệm, Cựu Giám đốc Phân tích Toàn cầu S&P Global Ratings cho biết, những vấn đề tồn tại trên thị trường TPDN Việt Nam thời gian qua không phải là duy nhất mà đã từng xảy ra ở rất nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, cũng nhờ trải qua những "cú sốc" đó, sự thay đổi cơ sở hạ tầng cho thị trường TPDN đã được cải thiện, xây lại thị trường bền vững hơn, an toàn hơn và phát triển hơn.
Hạ tầng không chỉ có chính sách pháp lý hay quy định, gọi là hạ tầng mềm mà còn có sự chung tay của tất cả các thành viên thị trường, trong đó, các định chế tài chính trung gian, kể cả các đơn vị xếp hạng tín nhiệm.
“Xếp hạng tín nhiệm là một trong những cấu phần quan trọng không thể thiếu trong hạ tầng TPDN. Bất kỳ hoạt động nào cũng giống như xây một tòa nhà cao tầng, phải có nền móng, hạ tầng tốt thì mới chắc chắn, bền vững”, ông Coughlin chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings, dư địa tăng trưởng thị trường vốn Việt Nam nói chung, thị trường TPDN nói riêng còn rất lớn, cơ hội tăng trưởng sẽ mở rộng nữa nếu như hạ tầng của thị trường phát triển hơn. Cùng với đó, với những chính sách thông thoáng cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia để tăng tính thanh khoản, nhà đầu tư nước ngoài sẽ từng bước tham gia thị trường TPDN của Việt Nam.
“Với các thị trường trong khu vực, nhà đầu tư nước ngoài dù không tham gia nhiều như thị trường chứng khoán (vốn ngoại chiếm khoảng 20% vốn hoá toàn thị trường), nhưng với kênh TPDN thì chúng ta chỉ cần 5-10% thì cũng đã rất tốt rồi, bởi quy mô thị trường vốn nợ sẽ lớn hơn nhiều lần thị trường vốn cổ phiếu”, ông Thuân cho biết.