Khởi sắc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4/2024
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 4 có dấu hiệu khởi sắc khi tăng cả số đợt phát hành và số lượng vốn so với hồi cuối tháng 3.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến ngày công bố thông tin 03/05/2024, thị trường có 12 đợt phát hành TPDN được ghi nhận trong tháng 4/2024 với tổng giá trị đạt 12.100 tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng 3/2024 và số lượng giao dịch cao hơn khoảng 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 36.088 tỷ đồng, với 06 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng (chiếm 24,6% tổng giá trị phát hành) và 30 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 27.210 tỷ đồng (chiếm 75,4% tổng số).
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, các doanh nghiệp đã mua lại 21,5 tỷ đồng trái phiếu trong tuần đầu tháng 5. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 37.054 tỷ đồng, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 43,8% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 16.213 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 180.457 tỷ đồng. Chiếm 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 73.736 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 38.097 tỷ đồng (chiếm 21%).
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có một doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 47 tỷ đồng và 12 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ trong tháng 4 đạt 68.406 tỷ đồng, giảm 25% so với tháng 3/2024. Hầu hết các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất đều do nhóm ngân hàng thương mại phát hành. Thanh khoản trung bình ngày trong tháng 4 đạt 3.900 tỷ đồng, tương đương 83,8% tháng trước.
Theo Báo cáo cập nhật thị trường TPDN tháng 4/2024 của FiinRatings, áp lực trả nợ đối với nhóm các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và sau vẫn còn nặng nề, đặc biệt là đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và năm 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
“Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ”, báo cáo của FiinRatings nhận định.