Loạt bài: Để trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp
Bài 2: Tăng cường quản lý, giám sát để lấy lại niềm tin thị trường
Nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) an toàn, bền vững, minh bạch theo đúng thông lệ quốc tế, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp về rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý giám sát để lấy lại niềm tin thị trường.
Hoàn thiện pháp lý tạo sân chơi cho nhà đầu tư có đủ thông tin
Trong nhiều năm qua, thị trường TPDN đã giúp các DN huy động vốn hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Giai đoạn 2018-2021, thị trường TPDN tăng trưởng vượt bậc, nhất là về khối lượng phát hành với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 45%.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực miền Nam batdongsan.com.vn, CTCP Propertyguru Việt Nam, mức tăng trưởng trên là quá nóng. Tốc độ tăng trưởng quy mô vốn từ TPDN cao, số lượng người tham gia mua TPDN lớn. Trong khi đó, việc giám sát, kiểm tra trước và sau phát hành trong giai đoạn 2018-2021 còn hạn chế, chưa có xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành cũng như đánh giá về chất lượng nhà đầu tư.
“Tăng trưởng nóng thường phát sinh bất cập, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh, tình hình thế giới nhiều bất ổn. Vì vậy, cơ quan quản lý đã có sự can thiệp ngay lập tức, ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để định hình lại thị trường, sau đó là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định thị trường ”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cho rằng, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã phát huy sứ mệnh của mình và đến lúc vận hành thị trường TPDN theo đúng thông lệ quốc tế. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được triển khai từ năm 2024 kiểm soát chặt chẽ thị trường TPDN, sẽ là một cú huých, giúp ổn định thị trường theo hướng lành mạnh, minh bạch và an toàn, đồng thời cũng là tấm khiên bảo vệ nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có nhiều quy định khắt khe nhằm chắt lọc thị trường TPDN, đưa TPDN trở thành một sân chơi lành mạnh của nhà đầu tư chuyên nghiệp và các tổ chức phát hành được được xếp hạng tín nhiệm”, ông Minh nhận định.
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư có đủ thông tin, đặc biệt thông tin xếp hạng tín nhiệm đối với cổ chức phát hành, từ đó, sẵn sàng tham gia đầu tư một cách hiệu quả và an toàn hơn.
Xây lại nền móng bằng sự minh bạch thông tin
Để thị trường TPDN đi vào chuẩn mực, phát triển bền vững hơn, điều kiện tiên quyết là lấy lại niềm tin thị trường. Muốn lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường, minh bạch thông tin là bước đi phù hợp và hiệu quả nhất.
Theo đó, nhà đầu tư nắm được thông tin về mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường, gồm: mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ, rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp.
Giới chuyên gia cho rằng, với việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu… chính là điều kiện cần và đủ giúp cơ quan quản lý giám sát, quản lý thị trường TPDN, tạo công cụ pháp lý bảo vệ nhà đầu tư.
Việc thực hiện quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường TPDN.
Đối với quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, các doanh nghiệp xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư nhằm tăng cường tính công khai minh bạch để từng bước thúc đẩy phát hành trái phiếu huy động vốn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng ban, Ban nghiên cứu và điều phối chính sách (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cung cấp độc lập, khách quan là yếu tố quan trọng cho khách hàng đầu tư vào TPDN.
Với nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm là chuẩn mực chung, giúp họ có căn cứ để so sánh công cụ, từ đó đưa ra quyết định sản phẩm để đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả. Với doanh nghiệp phát hành, thông tin từ tổ chức xếp hạng cũng quan trọng. Nếu kết quả xếp hạng tốt, doanh nghiệp sẽ có lợi thế trong huy động vốn với chi phí rẻ hơn.
Ông Dương Đức Hiếu - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu của VIS Rating cho rằng, thông tin trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm đối với một doanh nghiệp sẽ là công cụ trực quan để nhà đầu tư tham chiếu, phân tích và đưa ra quyết định.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã cấp phép thêm 01 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là 3 doanh nghiệp trên tổng số cho phép tối đa là 5 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, trong đó có một doanh nghiệp có liên doanh với tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.