Bài học từ doanh nghiệp chết yểu
(Tài chính) Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm đã có 42.459 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, bình quân mỗi tháng có gần 5.000 DN “chết”.
Tham đầu tư đa ngành
Theo ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), các nguyên nhân thất bại chủ quan đến từ phía DN rất nhiều. Thứ nhất là vấn đề về vốn, theo thống kê có 80% DN có vốn điều lệ dưới 7 tỉ đồng nhưng khoảng 90% số DN này phải đi vay NH. Việc tự huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh rất khó khăn, do hầu hết họ không đủ điều kiện vay vốn hay tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế… Thứ hai, DN thường thiếu chiến lược kinh doanh, đầu tư dàn trải, đa ngành.
“Cách đây vài năm, tôi đã rất ngạc nhiên khi một DN đang kinh doanh cà phê rất thành công, chiếm thị phần 20% cả nước nhưng đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi tìm hiểu thì được biết anh ta đem lợi nhuận từ cà phê đi đầu tư vào sắt. Một DN khác ở miền Tây đang kinh doanh cá ba sa với lợi nhuận cao lại xách tiền đi đầu tư vào gạo. Có thể về lĩnh vực cá ba sa hay cà phê với hai DN này họ rất giỏi nhưng khi chuyển sang gạo, sắt thì không thể chuyên sâu nên đã gặp rủi ro” - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, nguyên nhân thứ ba là báo cáo tài chính của DN đa số không minh bạch, thậm chí một số DN có hai hệ thống báo cáo tài chính, có những báo cáo chỉ chủ DN mới biết kết quả kinh doanh thực và điều này càng khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn. Một nguyên nhân nữa là vấn đề quản trị. “Thử hỏi bao nhiêu DN có giám đốc tài chính. Trong khi giám đốc tài chính sẽ giúp DN sử dụng đồng vốn như thế nào, khi nào để đảm bảo chi phí thấp nhất và lợi nhuận cao nhất mà giám đốc DN không thể biết hết và xin nhấn mạnh là giám đốc tài chính khác với kế toán” - ông Tiến nói.
Đồng quan điểm với ông Tiến, một vị chuyên gia cho hay khó khăn mà DN đang gặp phải là vấn đề quản trị. Quản trị không phải là sử dụng khả năng “ngửi” thấy cơ hội tốt mà phải được đào tạo bài bản để phát triển bền vững. Trên thế giới người ta vẫn nói công nghệ quản trị DN. Khi đã bỏ một đồng ra kinh doanh thì một đồng đó vẫn phải quản trị tốt chứ không thể nói vì là DN nhỏ nên không cần quản trị. Hơn nữa người Việt Nam có tính khi làm thì không xuể nhưng không chịu dùng tư vấn. Trường hợp ký hợp đồng với các đối tác, thậm chí là đối tác nước ngoài mà không cần luật sư ngồi bên cạnh diễn ra nhan nhản.
Làm ve chai vẫn tự hào
Trong khi hàng ngàn DN nối đuôi nhau phá sản, ngưng hoạt động thì rất nhiều DN vẫn sống khỏe. Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, cho biết điều quan trọng nhất của một DN là chiến lược sản phẩm. Khi làm chúng ta phải định rõ chiến lược là gì. Phải xác định mình là tay chơi chuyên nghiệp chứ không phải là tay mơ. “Chúng tôi là DN về ngành nhựa thì chúng tôi hiểu rất kỹ về nhựa, làm gì cũng liên quan đến nhựa. Lúc thị trường bị cấm về nhựa thì biết nên làm gì, lúc khuyến khích thì làm gì. Thứ hai là vấn đề thị trường, nếu không có thị trường thì khỏi bàn về quản trị…” - ông Anh nói.
Kể về hành trình từ một DN nhỏ phát triển mạnh đến giờ ông Anh cho biết, cách đây khoảng 15 năm tại Việt Nam chưa ai được nhập khẩu làm nhựa. “Nhưng chính tôi và ông Phạm Trung Cang, nguyên là phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB là người đầu tiên làm ra túi đựng tiền. Tuy nhiên vì làm những sản phẩm liên quan đến nhựa nên phải chịu mang tiếng là làm ve chai. Nhưng đến giờ chúng tôi rất tự hào vì mình làm nghề ve chai. Một công ty con của chúng tôi hiện nay xuất khẩu túi nylon được 50 triệu USD/năm cũng không phải nhỏ” - ông Anh nói.
Kể về những “tay chơi” chuyên nghiệp trong ngành nghề kinh doanh của mình, ông Anh chia sẻ, tôi có thân với một DN chuyên làm tã lót, băng vệ sinh, gặp mặt lúc nào anh ấy cũng nói nghĩ làm sao để có sản phẩm thấm lót được nhiều nhất. Một DN khác chuyên về chống thấm tường, anh ta chỉ chuyên chú làm sao nghĩ ra cách để chống thấm hiệu quả nhất. “Tất nhiên ngay cả khi DN đang đứng trên thành công vẫn phải nhìn nhận lại mình. Hiện tại tôi có 4-5 nhà máy nhưng sự trì trệ đã phát sinh, bây giờ tôi nói các giám đốc nhà máy không nghe nữa, vì các ông đó làm lâu năm trong ngành rồi nên khó thay đổi” - ông Anh nói.
Bài học cốt lõi trong quá trình xây dựng DN bền vững, theo ông Tiến là phải luôn thay đổi để tồn tại và phát triển. Ngay cả DN đang rất phát triển cũng phải cơ cấu để giữ được sự phát triển đó.