Biện pháp quản lý dòng vốn nước ngoài ở Malaysia

Trong thập niên 1990, Malaysia đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tiết kiệm và đầu tư. Trước tình hình đó, Malaysia đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động mở rộng mạnh mẽ tiêu dùng và đầu tư, tiếp theo là tự do hóa thương mại và tài chính, trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư ở trên thế giới. Tuy nhiên, thời kỳ này giá trị đồng Ringgit (RM) mạnh cũng khuyến khích nhập khẩu và vay nước ngoài của người cư trú. Những động thái quyết liệt cải tổ nền kinh tế của Chính phủ Malaysia đã đạt được những thành công bước đầu, nhất là về quản lý dòng vốn nước ngoài.

Thông qua việc tham gia tự do hóa tài chính, cải cách, ổn định kinh tế vĩ mô và tư nhân hóa, Malaysia đã tăng nhanh dòng vốn nước ngoài. Với những nỗ lực của Malaysia trong tiến trình chuyển giao từ tiềm năng tăng trưởng cao và thu hút dòng vốn vào ổn định dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn ở Malaysia cũng phụ thuộc vào yếu tố chu kỳ, được phản ánh qua sự chênh lệch lợi nhuận thu được giữa các khu vực so với các nước có nền kinh tế phát triển.

Bài học từ quản lý dòng vốn nước ngoài của Malaysia - Ảnh 1

Trong khi đó, dòng vốn gián tiếp nước ngoài (FPI) vào Malaysia khá biến động, năm 1991, tổng trị giá FPI ước đạt 40,6 triệu Ringgit (RM) và đạt ngưỡng cao nhất trong lịch sử vào năm 2007 với giá trị lên tới 729,1 triệu RM. Cùng với đó, danh mục vốn đầu tư nước ngoài vào Malaysia biến động trước năm 1997 (giai đoạn khủng hoảng) và cân bằng dần từ sau khủng hoảng. Ngay sau khi Thái Lan thả nổi đồng Baht (ngày 2/7/1997), đồng RM và thị trường chứng khoán Kuala Lumpur đã lập tức bị sức ép giảm giá mạnh.

Cụ thể, đồng RM đã giảm giá từ mức 3,75 RM/USD, xuống còn 4,20 RM/USD. Phần lớn sức ép giảm giá đối với RM bắt nguồn từ việc buôn bán đồng tiền này trên thị trường tiền tệ ở nước ngoài. Những người tham gia thị trường tiền tệ ở Malaysia duy trì tài khoản bằng đồng RM ở trạng thái bán ra nhiều hơn mua vào, với kỳ vọng về sự giảm giá của đồng RM trong tương lai. Lãi suất tiền gửi ngân hàng của Malaysia giảm nhanh để khuyến khích dòng vốn trong nước chảy ra nước ngoài (ước đạt 24,6 tỷ RM vào quý II và quý III/1997).

Trong khi đó, dòng vốn ngắn hạn tiếp tục đảo chiều với độ lớn dòng vốn ra nhỏ hơn 18,6 tỷ RM trong suốt giai đoạn 1999 - 2003. Cũng trong gian đoạn này, hàng loạt các biện pháp tự do hóa nguyên tắc quản lý thị trường hối đoái đã được Malaysia thực hiện, nhằm thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và hỗ trợ thị trường tài chính hiệu quả.

Bên cạnh đó, nỗ lực tái cấu trúc khu vực tài chính cũng được tăng cường. Từ cuối năm 2005, Tổ chức xử lý nợ quốc gia Danaharta (Malaysia) đã thực hiện mua lại các khoản nợ xấu với trị giá 52,4 triệu RM và có thể phục hồi được 30,4 triệu RM các khoản nợ xấu. Thêm vào đó, Ủy ban tái cấu trúc nợ doanh nghiệp (CDRC) cũng giải quyết được khoản nợ xấu của doanh nghiệp với giá trị lên tới 52,6 triệu RM.

Bài học từ quản lý dòng vốn nước ngoài của Malaysia - Ảnh 2

Tuy nhiên, nền kinh tế Malaysia vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro về lạm phát, hệ thống tài chính, do các ngân hàng của nước này cho vay quá mức, cộng với tình trạng phát triển kinh tế “quá nóng”. Tùy từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và sự di chuyển của dòng vốn mà Chính phủ Malaysia đã áp dụng 2 biện pháp kiểm soát dòng vốn khác nhau.

Thứ nhất, quản lý kiểm soát dòng vốn vào. Trong giai đoạn 1990 -1993, trước sự gia tăng mạnh của dòng vốn vào, duy trì lãi suất cao nhằm kiềm chế lạm phát và giảm vốn ngắn hạn nước ngoài chảy vào. Giai đoạn này, Malaysia đã đối mặt với sự bất ổn định của dòng vốn nước ngoài vào quá mạnh và khôi phục sự ổn định của thị trường tài chính thông qua chính sách tiền tệ và kiểm soát ngoại hối.

Giải pháp này của Chính phủ Malaysia nhằm giải quyết các vấn đề sau: (i) Tránh những tác động tiêu cực đẩy đồng RM lên giá, Chính phủ Malaysia đã áp dụng chính sách vô hiệu bằng cách phát hành trái phiếu qua thị trường mở, đồng thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (năm 1991 là 7,5% và năm 1992 là 8,5%); (ii) Kiểm soát dòng vốn vào như cấm người cư trú Malaysia bán các chứng khoán trên thị trường tiền tệ có thời hạn dưới 1 năm cho người không cư trú.

Hạn chế các hoạt động đầu cơ trên thị trường nước ngoài thông qua lệnh cấm các ngân hàng tham gia vào các giao dịch hoán đổi hoặc có kỳ hạn liên quan đến thương mại với người không cư trú. Hạn chế các khoản tiền gửi của người không cư trú ngoại trừ các khoản liên quan đến thương mại và đầu tư trực tiếp, các biện pháp điều tiết thận trọng đối với hệ thống ngân hàng cũng được thực hiện.

Thứ hai, quản lý kiểm soát dòng vốn ra. Trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng, trước tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài và giảm sút dự trữ ngoại tệ, Chính phủ Malaysia đã áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát vốn. Cụ thể, đối với ngân hàng nhằm hạn chế các giao dịch hoán đổi bán ra (mua có kỳ hạn và bán giao ngay đồng RM đối với người không cư trú) không liên quan đến thương mại, nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa đồng nội tệ trong và ngoài nước, giảm thiểu áp lực lãi suất trong nước.

Ngoài ra, để xóa bỏ thị trường đồng RM ở nước ngoài cũng như hạn chế các nhà đầu tư đầu cơ đối với đồng tiền này, Chính phủ Malaysia đã yêu cầu chuyển toàn bộ đồng RM ở thị trường nước ngoài về nước bao gồm cả tiền gửi bằng đồng RM tại ngân hàng nước ngoài; yêu cầu cấp phép đối với việc chuyển khoản giữa các tài khoản ngoài, tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu phải thanh toán bằng ngoại tệ, mọi giao dịch mua bán các tài sản tài chính định danh bằng đồng RM phải được thực hiện thông qua các thể chế tiền gửi được ủy quyền…

Bài học từ quản lý dòng vốn nước ngoài của Malaysia - Ảnh 3

Để khuyến khích FPI chảy vào Malaysia trong trung và dài hạn và tăng cường thu hút dòng vốn mới, chính phủ Malaysia đã quy định thời hạn FPI sau 12 tháng mới được chuyển ra nước ngoài. Áp dụng hệ thống thuế rút vốn giảm dần đối với việc rút vốn đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác. Mức thuế giảm dần phụ thuộc vào thời hạn đầu tư (mức 30% đối với hoạt động đầu tư có thời hạn thấp hơn 7 tháng, 20% thời hạn đầu tư từ 7 - 9 tháng, 0% đối với hoạt động đầu tư lớn hơn 12 tháng). Không áp dụng kiểm soát vốn đối với những hình thức đầu tư mang tính thanh khoản thấp hoặc FDI.

Để khuyến khích FPI chảy vào, Malaysia đã tăng cường thu hút dòng vốn mới, đồng thời giảm thiểu sự bất ổn định của dòng vốn ngắn hạn. Malaysia đã quy định thời hạn FPI sau 12 tháng mới được chuyển ra nước ngoài. Áp dụng hệ thống thuế giảm dần phụ thuộc vào thời hạn đầu tư (mức 30% đối với hoạt động đầu tư có thời hạn thấp hơn 7 tháng, 20% thời hạn đầu tư từ 7 - 9 tháng, 0% đối với hoạt động đầu tư lớn hơn 12 tháng).

Bài học kinh nghiệm từ Malaysia

Từ việc quản lý dòng vốn nước ngoài của Malaysia trong những năm qua cho thấy, Chính phủ nước này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoạch định chính sách phù hợp với thực tiễn của mỗi thời kỳ. Điều đáng nói, cách xử lý “chảy máu ngoại tệ” và quản lý dòng vốn nước ngoài của Malaysia không giống với bất cứ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, để đối phó với khủng hoảng tài chính - tiền tệ, Malaysia đã sử dụng biện pháp kiểm soát vốn gắt gao như ấn định tỷ giá ở mức 3,8 RM/USD, tập trung quản lý trên thị trường chứng khoán thứ cấp, hạn chế các giao dịch tiền tệ và vốn của người không cư trú; hạn chế và cấm sử dụng đồng RM bên ngoài lãnh thổ; cho phép chuyển đổi ngoại tệ trong hoạt động xuất nhập khẩu, FDI và chuyển lợi nhuận về nước. Theo hướng xử lý trên, Malaysia vừa hạ lãi suất ngân hàng, phục hồi nền kinh tế và vượt qua được khủng hoảng kinh tế mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Thứ hai, Malaysia đã tái cấu trúc và khôi phục hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh và linh hoạt. Thời gian đầu, Malaysia thực hiện cải tổ hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và triệt để, điều chỉnh quy chế SRR, trực tiếp giới hạn khối lượng dòng vốn vào của người không cư trú…

Thứ ba, bài học cho nhà hoạch định chính sách trong quản lý dòng vốn:

(i) Việc neo tỷ giá (de-factor pegging) đồng RM vào đồng USD giai đoạn trước khủng hoảng nảy sinh vấn đề rủi ro đạo đức. Cụ thể, việc neo giữ tỷ giá đã gây ra những hiểu lầm về sự ổn định lâu dài của đồng nội tệ. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp và ngân hàng trong nước tăng cường vay nước ngoài và không chú ý đến khả năng đồng RM bị mất giá;

(ii) Thị trường tài chính nội địa phát triển còn hạn chế, hoạt động cho vay đầu tư và mở rộng kinh doanh chủ yếu thực hiện qua nghiệp vụ tín dụng ngân hàng dễ phát sinh rủi ro. Khi khủng hoảng kinh tế - tài chính nổ ra đã gây ra sự xáo trộn nghiêm trọng kênh trung gian tài chính ngân hàng, lĩnh vực sản xuất cũng bị ảnh hưởng do thiếu vốn. Khắc phục tình trạng này, Chính phủ Malaysia thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao vị thế thị trường tài chính với các công cụ tài chính linh hoạt hơn;

(iii) Quan điểm cho rằng, các khoản thu nhập chứng khoán cố định về bản chất là ngắn hạn, điều này khiến các nước đang phát triển phải đối mặt với nguy cơ đảo chiều dòng vốn. Do vậy, các nước trong khu vực Đông Nam Á cần cân nhắc xây dựng dự trữ ngoại hối dồi dào, đảm bảo có thể đối phó được nguy cơ đảo chiều dòng vốn có thể xảy ra;

(iv) Tăng cường giám sát và phối hợp với các nước trong khu vực, đồng thời thiết lập mối quan hệ mật thiết trong hệ thống quản lý dòng vốn ngắn hạn, nhằm hạn chế cũng như tránh được các cú sốc từ bên ngoài.

Thứ tư, để quản lý tốt dòng vốn đầu tư nước ngoài thì vấn đề then chốt là ban hành chính sách của cơ quan có thẩm quyền tại các nước có nền kinh tế mới nổi, đặc biệt trong quá trình phát triển và toàn cầu hóa hệ thống tài chính. Mặc dù, IMF đã có nhiều nỗ lực tốt nhất để giúp các nước bị khủng hoảng khôi phục và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quản lý FPI của Malaysia đã, đang áp dụng mang lại những hiệu quả nhất định. Việt Nam là nước đi sau trong quá trình thu hút và kiểm soát dòng FPI, nên chúng ta có cơ hội tiếp cận bài học kinh nghiệm của những nước đi trước, đặc biệt là những nước ở trong khu vực Đông Nam Á. Từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài trong trung và dài hạn. Qua đó, chúng ta có những giải pháp tốt hơn để thu hút và quản lý dòng vốn có hiệu quả trong hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng phát triển châu Á, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Báo cáo triển vọng kinh tế các năm;

2. Ahmad Razi, Ahmad Mohd, Managing shorterm capital flows- Do have the right framework? Drawing lessions from Malaysia’s experience, 2012;

3. Maria Muir, Capital controls: A “hot” debate, 2005;

4. Các Tạp chí: Journal of Financial Stability, Journal of Business and Management.

Bài học từ quản lý dòng vốn nước ngoài của Malaysia

ThS. NGUYỄN THANH HUYỀN - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(Tài chính) Khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á trong các năm 1997 và 1998 cùng với tình trạng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các nước trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, Malaysia đã nỗ lực khắc phục khó khăn thông qua áp dụng chính sách kiểm soát sự di chuyển của dòng vốn gián tiếp nước ngoài để vượt qua khủng hoảng.

Xem thêm

Video nổi bật