Ban hành Quy chế mới về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội


Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 8/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/5/2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều kiện khoanh nợ tại ngân hàng Chính sách xã hội

Theo Quyết định, khách hàng được xem xét khoanh nợ với thời gian khoanh nợ tối đa là 03 năm kể từ ngày có quyết định khoanh nợ của cấp có thẩm quyền khi có hoàn cảnh khó khăn, chưa có khả năng trả nợ đúng hạn do gặp rủi ro vì thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng có thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% - dưới 80% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh vay vốn; hoặc trường hợp các khoản nợ phải thu hồi theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng người phải thi hành chưa có điều kiện thi hành án…

Trường hợp hết thời gian khoanh nợ, khách hàng vẫn gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ sẽ được xem xét cho khoanh nợ bổ sung với thời gian tối đa không vượt quá thời gian đã được khoanh nợ lần trước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Quyết định còn bổ sung trường hợp tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 02 năm liền trở lên, có hoàn cảnh khó khăn, chưa có khả năng trả nợ đúng hạn sẽ được xem xét khoanh nợ với thời gian tối đa là 05 năm kể từ ngày có quyết định khoanh nợ…

04 trường hợp được xóa nợ tại ngân hàng Chính sách xã hội

Quyết định quy định, tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn không có khả năng trả nợ và thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xóa nợ (gốc, lãi):

Thứ nhất, khách hàng sau khi hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung theo quy định tại Quyết định này) mà vẫn không có khả năng trả nợ và Ngân hàng Chính sách xã hội đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thu được nợ.

Thứ hai, tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn đều bị rủi ro do một trong các nguyên nhân khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình (là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung tại thời điểm khách hàng đề nghị xử lý rủi ro): mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên; chết hoặc bị tuyên bố là đã chết; bị tuyên bố mất tích; vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 02 năm liền trở lên, tính từ thời điểm biết được tin tức cuối cùng về khách hàng vay vốn (trừ nguyên nhân bị bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế hoặc vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 02 năm liền trở lên).

Thứ ba, khách hàng vay vốn bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, các khoản nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Kho bạc Nhà nước đã được Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thể thu hồi được; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ.”

05 trường hợp được coi là nguyên nhân khách 

Quyết định số 8/2021/QĐ-TTg đã quy định rõ việc xử lý nợ của khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Theo đó, sẽ có 5 nguyên nhân khách quan thay vì 4 nguyên nhân như quy định hiện hành tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ban hành ngày 28/7/2010. Cụ thể:

Một là, các loại thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; địch họa, hỏa hoạn; các dịch bệnh liên quan tới vật nuôi và cây trồng xảy ra làm thiệt hại đến vốn, tài sản của dự án hoặc phương án vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hai là, Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị cấm, bị hạn chế theo quy định của pháp luật; khách hàng phải thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ba là, biến động chính trị, kinh tế - xã hội, dịch bệnh ở nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; doanh nghiệp tiếp nhận lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc hoặc không đảm bảo tay nghề hoặc do các nguyên nhân khách quan khác mà không do lỗi của người lao động dẫn đến việc người đi lao động ở nước ngoài phải về nước trước hạn.

Bốn là, khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình (là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung tại thời điểm khách hàng đề nghị xử lý rủi ro): mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên; chết hoặc bị tuyên bố là đã chết; bị tuyên bố mất tích; vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 02 năm liền trở lên, tính từ thời điểm biết được tin tức cuối cùng về khách hàng vay vốn.

Năm là, các khoản nợ phải thu hồi theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo thông báo của cơ quan thi hành án; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ; khách hàng bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật.

Các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro

Việc xem xét xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện tại thời điểm thực tế phát sinh rủi ro hoặc theo từng đợt trên cơ sở đề nghị của khách hàng, của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro từng đợt tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Định kỳ 6 tháng hoặc khi có yêu cầu đột xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội lập báo cáo kết quả xử lý nợ bị rủi ro theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này dưới hình thức văn bản giấy gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc hình thức văn bản điện tử cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để theo dõi. Nội dung báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội được lập theo từng biện pháp xử lý nợ theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và theo từng chương trình tín dụng.

Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 01/01 kỳ báo cáo đến ngày 30/6 kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng cuối năm được tính từ ngày 01/7 kỳ báo cáo đến ngày 31/12 kỳ báo cáo.