Bán lẻ ngoại chiếm lĩnh thị trường

Theo Thanh Hồng/thoibaonganhang.vn

Hàng loạt siêu thị nước ngoài tại Việt Nam như Lotte, AeonMall, BigC… liên tục đưa hàng của doanh nghiệp (DN) nước họ đến Việt Nam để mở rộng thị trường, tiếp cận người tiêu dùng Việt. Trong khi hàng Việt Nam không có cơ hội này, vì thiếu vắng các nhà bán lẻ Việt Nam tại nước ngoài.

Với nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người dân có nhiều lựa chọn hơn. Nguồn: internet
Với nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người dân có nhiều lựa chọn hơn. Nguồn: internet

Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, đến nay thành phố có khoảng 207 siêu thị đang hoạt động. Trong đó có 96 siêu thị chuyên ngành và 111 siêu thị tổng hợp; tỷ trọng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và khoảng 40% siêu thị tổng hợp. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang sở hữu nhiều hệ thống phân phối hiện đại, DN bán lẻ trong nước có quy mô lớn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Saigon Co.op, Vingroup…

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, ở góc độ tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa, thì hàng Việt vẫn có lợi thế sân nhà, hiểu biết thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân trong nước. Hàng Việt Nam ngày càng có chất lượng cao hơn, đa dạng chủng loại và không ngừng nghiên cứu, tăng sản phẩm mới ra thị trường, phục vụ nhu cầu hiện đại của người dân.

Tuy nhiên, với nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người dân có nhiều lựa chọn hơn, thị phần tiêu thụ hàng Việt sẽ giảm thấp. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi các đại gia bán lẻ nước ngoài như Lotte, Emart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Auchan (Pháp), Central Group (Thái Lan)… đang tăng cường số lượng hàng hóa của DN từ nước họ sang tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, thì hàng Việt xem như thất thế thêm ở kênh bán lẻ. 

Thực tế thị trường cho thấy, nếu trước đây hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến của Pháp, Đức theo nhà bán lẻ Big C, Metro tràn vào Việt Nam và được người tiêu dùng Việt đón nhận; thì nay, hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chiếm một vị trí nhất định trong sự lựa chọn mua sắm của người Việt.

Cụ thể như tuần lễ hàng tiêu dùng Hàn Quốc (do Lottemart tổ chức đầu tháng 7/2018 tại Lotte Gò Vấp), giới thiệu rất nhiều sản phẩm do các DN từ lớn đến nhỏ và vừa tại Hàn Quốc sản xuất. Hội chợ có vị trí thuận lợi là tại siêu thị, hàng hóa của Hàn Quốc là thực phẩm, mỹ phẩm, hàng gia dụng… số lượng hàng hóa không nhiều, nhưng là những mặt hàng thiết thực, gần gũi với người tiêu dùng Việt.

Ông Đoàn Diệp Bình, phụ trách truyền thông của Lottemart cho biết, Lotte thường xuyên tổ chức giới thiệu hàng hóa để hỗ trợ DN Hàn Quốc mở rộng thị trường tiêu thụ đến các quốc gia mà Lotte hiện diện. Số lượng hàng của DN Hàn Quốc tại các buổi giới thiệu đều không đủ bán.

Tương tự, các nhà bán lẻ Nhật Bản đã liên tục đưa sản phẩm hàng hóa từ nhiều tỉnh thành của Nhật (trái cây, rau, thịt, cá…) đến Việt Nam thông qua nhà bán lẻ AeonMall tại Việt Nam. Hay hệ thống siêu thị Big C sau khi thuộc về nhà đầu tư Thái, thì tại đây hàng tiêu dùng Thái Lan tăng mạnh về số lượng.

So sánh lợi thế, hàng Việt Nam thiếu hẳn kênh phân phối này, bởi hiện tại chưa có nhà bán lẻ Việt Nam nào phát triển được siêu thị tại nước ngoài, để hàng Việt tiếp cận thị trường ngoại thường xuyên như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan.

Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, trước đây cũng có vài DN bán lẻ như Sài Gòn Co.op, Vinatex… có hướng mở rộng kênh bán lẻ, để đưa hàng Việt tiêu thụ sang thị trường Lào và Campuchia. Tuy nhiên, tiềm lực của DN Việt (về quản lý, vốn, nhân lực…) chưa đủ điều kiện để đi xa, cộng với thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân bản xứ (vẫn ưa chuộng kênh bán lẻ truyền thống là chợ), khiến các nhà bán lẻ Việt cân nhắc lại, chưa thể đầu tư ra nước ngoài. Điều này dẫn đến việc thiếu vắng kênh siêu thị Việt ở nước ngoài, khiến hàng Việt đành… chịu thiệt.

Mặc dù, nhiều năm nay Bộ Công thương đã phối hợp với hệ thống siêu thị nước ngoài tổ chức Tuần hàng Việt Nam để giới thiệu hàng Việt Nam đến các chuỗi phân phối trên thế giới. Nhưng việc tổ chưa theo từng năm hiệu quả quảng bá thì có, mức tiêu thụ sản phẩm không cao. Đó là chưa kể, nhiều sản phẩm hàng Việt chưa đáp ứng được điều kiện để vào các siêu thị, trung tâm mua sắm của tập đoàn lớn nước ngoài, nên hàng Việt chủ yếu vẫn tiêu thụ trong nước.