Bán lẻ nội trước sức ép hội nhập: Chủ nhà cam phận "chầu rìa"?

Cẩm An

(Tài chính) Chỉ trong thời gian ngắn, các tập đoàn bán lẻ thế giới đã liên tiếp "tấn công" vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Với sức cạnh tranh yếu, nhiều doanh nghiệp (DN) nội đã phải chấp nhận thoái vốn, hay tự "bán mình" bằng các liên doanh liên kết để tồn tại. Nguy cơ DN nội dần mất vị thế và bị loại khỏi cuộc chơi đang ngày càng hiện hữu.

Bán lẻ nội trước sức ép hội nhập: Chủ nhà cam phận "chầu rìa"?
Nguy cơ DN nội dần mất vị thế và bị loại khỏi cuộc chơi trên thị trường bán lẻ đang ngày càng hiện hữu. Nguồn: internet

Với việc tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại hệ thống Metro Việt Nam, nhiều DN bán lẻ nội không khỏi lo ngại trước làn sóng cạnh tranh ngày càng khốc liệt đang diễn ra trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Khó sống trước "cá mập"

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam, sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, cho rằng khi BJC chính thức sở hữu Metro chính là sự cảnh báo cho các nhà sản xuất và bán lẻ của Việt Nam. Cũng bởi, thông qua 19 điểm bán của Metro, BJC sẽ đưa hàng Thái Lan, vốn đã đang "làm mưa làm gió", thâm nhập mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam.

"Chúng tôi đã cố gắng ưu tiên hàng nội địa khi có đến 90% các sản phẩm được đưa vào các điểm bán, song chủ yếu là hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam, các làng nghề và vùng nông thôn. Còn phần lớn hàng tiêu dùng, điển hình như đồ nhựa chúng tôi cũng ưu tiên đưa hàng Thái Lan vào vì đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu các DN sản xuất hàng Việt Nam mà không xem lại, chú trọng chất lượng sản phẩm, giá cả, thiết kế bao bì, chất lượng hấp dẫn, bắt mắt… thì sẽ bị đẩy lùi", bà Hậu nói.

Sự cạnh tranh ngày càng cam go và không cân sức với các đại gia ngoại cũng đang tạo sức ép ngày càng lớn cho các DN nội. Cũng bởi, với xu thế hội nhập đang diễn ra, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ thâm nhập vào thị trường ngày càng mạnh mẽ bằng việc mua lại cổ phần hoặc tỷ lệ vốn của chính các DN trong nước. Thực tế với Fivimart, bà Hậu chia sẻ mặc dù đã cố gắng nâng cao sức cạnh tranh, song trước sức ép lớn từ các hãng ngoại, Fivimart hay nhiều DN nội khác sẽ không đủ sức để tồn tại, nên việc phải chấp nhận "kết hôn" với nhà bán lẻ nước nước ngoài là điều tất yếu sẽ diễn ra. Được biết, hiện cũng có một số DN ngoại "nhòm ngó" và bài toán liên doanh liên kết cũng đang được DN này tính đến.

Cùng lo ngại trên, ông Nguyễn Thường Lạng, Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội, cho rằng câu chuyện BJC mua lại Metro chính là minh chứng điển hình cho việc các nhà bán lẻ nước ngoài đang đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Việt Nam để đón đầu các cơ hội từ hội nhập, mà cụ thể là việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean trong năm 2015.

Hội thảo "Phát triển Hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội trong điều kiện hội nhập quốc tế và chuẩn bị hình thành Cộng đồng Kinh tế Asean" do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội tổ chức ngày 19/8 đã chỉ ra, thị trường bán lẻ đang diễn ra một cuộc cạnh tranh không cân sức khi các hãng bán lẻ nước ngoài đang "đổ bộ" vào Việt Nam ngày càng nhiều, với tiềm lực mạnh và sức ảnh hưởng lớn đến thị trường. Trong khi đó, DN bán lẻ trong nước cùng hệ thống phân phối nội địa lại đang bộc lộ nhiều điểm yếu và bất cập, chưa biết cách khai thác tiềm năng của thị trường.

Cần tiếp sức cho DN nội

Phân tích về điều này, ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), chỉ ra những điểm yếu của bán lẻ Việt Nam. Trước hết là sự bất cập về quy hoạch hệ thống điểm bán đã khiến cho các vị trí bán lẻ có sự phân bố không đồng đều và phù hợp. Trong khi đó, tại các siêu thị, vấn đề chất lượng và giá cả hàng hoá cũng có nhiều chuyện phải bàn như đưa hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, giá cao… Hoạt động tổ chức bán hàng cũng "thua xa" khi DN nước ngoài bán 18 tiếng/ngày, trong khi DN nội chỉ bán theo giờ hành chính.

Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực kém, đa số là nhân viên không qua đào tạo đúng chuyên ngành… là nguyên nhân khiến cho DN nội hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Theo khảo sát từ Đại học Thương mại, tỷ lệ lao động trong các DN bán lẻ nội có trình độ đại học, cao đẳng hiện chỉ ở mức 19,3%, trong khi tại các DN ngoại, tỷ lệ này chiếm đến 70,8%. Bà Vũ Thị Thanh Huyền, Khoa Kinh tế Luật, Đại học Thương mại, cho rằng do ít kinh nghiệm chuyên môn, phần lớn tự học qua thực tiễn, nên hạn chế trong xây dựng và phát triển chiến lược dài hạn. Đáng lưu ý là mặc dù yếu kém, đội ngũ nhân viên của các DN phân phối nội cũng chưa được đào tạo thường xuyên về nghiệp vụ mua hàng, trưng bày và bán hàng, cũng như thiếu các chuyên gia cao cấp để quản lý, điều hành DN lớn.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng với sự mở rộng đầu tư mạnh mẽ của DN ngoại, các chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại khi việc xây dựng và thực thi các hàng rào kỹ thuật còn nhiều hạn chế, khiến cho hàng hoá và DN phân phối nội càng chịu sức ép lớn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của DN, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hạ tầng, đất đai, tài chính, đào tạo nguồn lực, tăng tính liên kết DN…

Nâng cao vai trò của Hiệp hội

TS. Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội

Theo tôi, Nhà nước cũng cần tổ chức tốt các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thương hiệu Việt, tôn vinh các thương hiệu phát triển bền vững và sản phẩm chất lượng cao, bán hàng bình ổn, khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn… Ngoài ra, cũng cần nâng cao vai trò của Hiệp hội trong công tác làm cầu nối với cơ quan nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng; đại diện DN tham gia xây dựng chính sách; dự báo, xu hướng phát triển; đào tạo nhân lực, quản trị; liên kết DN….

Phải gắn sản xuất với bán lẻ
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của bán lẻ trên cơ sở bán lẻ gắn với sản xuất, giải quyết nguồn cung, chủ động, ổn định, có chất lượng… Cần phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh để tạo ra vùng sản xuất và nguồn cung ổn định, tổ chức theo chuỗi, quản lý chất lượng, trước hết là thực phẩm thiết yếu, chọn trọng tâm trọng điểm để làm.

Sức mua hiện cũng đang là bài toán lớn nên cần kiến nghị để giảm thuế VAT. Vấn đề quản lý trong bán lẻ, trong đó tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại…

Tăng tính liên kết trong phân phối, sản xuất
Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Thị trường bán lẻ hiện đại và truyền thống vẫn đang tồn tại song song với nhu cầu khác nhau. Do đó, cần có nghiên cứu cụ thể để đưa ra các mô hình phù hợp, như với thành thị cần xây dựng các điểm bán hàng gắn với du lịch, tăng giờ mở cửa, chuyên nghiệp hơn; hay với nông thôn thì tổ chức các đoàn xe tải, quầy hàng bán hàng hay kiot lưu động… Ngoài ra, cũng cần tăng tính liên kết các tỉnh với nhau để đưa hàng có chất lượng về, đảm bảo tiêu chuẩn, tránh dựa vào luồng tự phát và bị động, trên cơ sở phân tích nhu cầu thị trường. Nên nhấn mạnh hình thành chuỗi giá trị, DN kết hợp và hợp tác với nông dân, nhà sản xuất, đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm.