Bàn về hiệu quả kinh tế phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững
Mặc dù mới phát triển mạnh từ những năm 70 của thế kỷ XX trở lại đây, song nông nghiệp đô thị đã góp phần rất lớn trong chiến lược phát triển bền vững của các đô thị trên thế giới. Ở Việt Nam, tuy phạm vi hoạt động chưa rộng, mức độ phát triển chưa cao, chưa toàn diện nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội của nông nghiệp đô thị cũng đã được chứng minh và trở thành một trong những thành tố quan trọng trong tiến trình đô thị hóa của nước ta.
Vai trò phát triển nông nghiệp đô thị
Nông nghiệp đô thị (hay còn gọi là nông nghiệp sinh thái) hiểu theo nghĩa chung nhất là quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp từ nguyên liệu, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn, bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo ra năng suất, hiệu quả kinh tế vượt trội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống trong lành. Quá trình này được diễn ra ở các vùng xen kẽ hoặc tập trung ở đô thị bao gồm nội đô, vùng giáp ranh và cả ngoại ô.
Theo Tổ chức Làm vườn quốc gia Hoa Kỳ, trên thế giới có tới 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị là từ nông nghiệp đô thị, 25 - 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị. Cụ thể ở Matxcơva (Nga), 65% gia đình có mô hình nông nghiệp đô thị, ở Dactxalam là 68%, Maputo 37%... Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở NewYork (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... nông nghiệp đô thị cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt trứng của người dân.
Đối với Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, đô thị hóa là một quá trình tất yếu khách quan. Đô thị hóa trong điều kiện tiền công nghiệp hóa ít gắn với các yếu tố nội tại làm động lực cho kinh tế đô thị đã làm trầm trọng thêm các khó khăn lớn của các đô thị như: Một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm; một bộ phận dân cư từ nông thôn chuyển về đô thị để làm việc làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng; sự ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Đây là các yếu tố đe dọa sự phát triển nhanh và bền vững của các đô thị hiện nay. Trong rất nhiều các giải pháp thì phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi tối ưu có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hoá, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.
Hiệu quả kinh tế phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững
Hiệu quả kinh tế phát triển nông nghiệp đô thị thể hiện qua những ưu điểm quan trọng và nổi bật sau:
Thứ nhất, nông nghiệp đô thị góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị.
An ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đã và đang rất được quan tâm hiện nay tại các đô thị, đặc biệt là những người có thu nhập thấp tại các đô thị của các nước đang phát triển như nước ta. Quy mô dân số đô thị không ngừng gia tăng trong quá trình đô thị hóa, quá trình này cũng đồng thời đẩy các hộ dân nghèo ven đô vào tình thế mất tư liệu sản xuất chính. Bản thân nguồn cung lương thực thực phẩm chất lượng cao với giá đắt đỏ chỉ hướng đến các hộ thu nhập cao, vì vậy nguy cơ thiếu hụt nguồn lương thực cơ bản đáp ứng cho các hộ khó khăn ngày càng trở nên hiện hữu. Do đó, phát triển nông nghiệp đô thị là cứu cánh duy nhất cho vấn đề này. Để đảm bảo phát triển bền vững, giảm khoảng cách quá xa trong nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của người dân đô thị, phát triển nông nghiệp đô thị thực sự là một giải pháp quan trọng hiện nay.
Thứ hai, nông nghiệp đô thị tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị.
Trong tiến trình đô thị hóa, vấn đề thu hẹp diện tích đất nông nghiệp của nông dân ven đô diễn ra phổ biến. Người dân mất tư liệu sản xuất, buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp trong điều kiện không có trình độ, vốn hạn chế, kinh nghiệm thích ứng với lối sống và tác phong công nghiệp rất thấp, vì vậy vấn đề việc làm cho người lao động, nhất là những gia đình ven đô càng trở nên cấp thiết. Bên cạnh đó, làn sóng di chuyển dân cư từ nông thôn về thành thị để tìm kiếm việc làm cũng gia tăng nhanh chóng. Trong vấn đề này với nông nghiệp đô thị, nếu được quan tâm và có quy hoạch, có chiến lược phù hợp để tận dụng quỹ đất đô thị và sức lao động dôi dư để góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán việc làm và thu nhập trong tiến trình đô thị hóa.
Thứ ba, nông nghiệp đô thị góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.
Nông nghiệp đô thị có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới... cho sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc làm giảm ô nhiễm môi trường. Chất thải đô thị đang thực sự tạo thành áp lực ngày càng tăng cùng với sự gia tăng dân số ở đô thị. Nông nghiệp là ngành sản xuất yếu cầu một lượng nước rất lớn tuy nhiên với nông nghiệp đô thị bằng cách tái sử dụng nguồn nước thải nó có thể cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị.
Tại các đô thị, tình trạng đất đai bị bẩn hóa, suy thoái, thiếu màu mỡ cũng được quan tâm không kém so với việc ô nhiễm và thiếu nguồn nước. Phần lớn đất đai kém phì nhiêu, bị nhiễm bẩn do các hóa chất công nghiệp, do bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng… Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nông nghiệp đô thị là tái tạo chất dinh dưỡng cho đất thông qua tái sử dụng các chất thải hữu cơ từ các hoạt động của đô thị. Nông nghiệp đô thị được sản xuất tại chỗ ven các đô thị nên sau thu hoạch, chi phí đóng gói, vận chuyển và bảo quản bằng kho lạnh được bỏ qua nên góp phần giảm giá thành đến mức tối đa. Chất lượng các sản phẩm được đảm bảo an toàn đồng thời góp phần giảm lượng xe trọng tải lớn vào ra các đô thị, giảm tai nạn và ô nhiễm đáng kể cho khu vực đô thị. Bên cạnh đó, phát triển “đô thị sinh thái” đang trở nên phổ biến trong tiến trình đô thị hóa.
Thực tế cho thấy, đối với Việt Nam, thành quả nổi bật của nông nghiệp đô thị ở nước ta trong thời gian vừa qua là các địa phương đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nghề làm sinh vật cảnh, nhất là từ khi chúng ta thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tiêu biểu cho mô hình phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả phải kể đến mô hình nông nghiệp đô thị của TP. Hồ Chí Minh. Có thể thấy, “Chương trình phát triển hoa, cây cảnh, chim, cá cảnh” ở TP. Hồ Chí Minh cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Những năm qua, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu, sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận. Nền nông nghiệp Thành phố được khuyến khích tập trung chuyển đổi theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Trồng rau an toàn mang lại lợi nhuận 400 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa phong lan mang lại lợi nhuận 900 triệu/ha/năm, nuôi bò sữa với quy mô 20 con mang lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, nuôi cá cảnh với quy mô 30m² - 40m² mang lại lợi nhuận 20 - 60 triệu đồng/năm…
Năm 2014, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác ở TP. Hồ Chí Minh là 325 triệu đồng/ha/năm, tăng 15,2% so với năm 2013 và tăng 2 lần so với năm 2010, trong khi bình quân cả nước con số này chỉ khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.… Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhiều huyện ngoại thành đã sáng tạo trong thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác, thành lập các hợp tác xã sản xuất rau sạch, muối sạch, cây, cá cảnh… và đạt kết quả cao tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ. Hoạt động của các hợp tác xã đã hỗ trợ sản xuất, cung ứng các dịch vụ tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nhà nông ngày càng có thu nhập cao một cách vững chắc…
Tóm lại, ở Việt Nam tuy phạm vi hoạt động chưa rộng, mức độ phát triển chưa cao, chưa toàn diện nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội của nông nghiệp đô thị đã được chứng minh. Hy vọng nông nghiệp đô thị sẽ là giải pháp và là hướng đi chiến lược cho sự phát triển nhanh, bền vững của các đô thị trong tiến trình đô thị hóa hiện nay của nước ta.