Bàn về kế toán đầu tư cổ phiếu trái phiếu
Bài viết này thảo luận và làm rõ những nội dung chính về kế toán đầu tư cổ phiếu kinh doanh, đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán và trái phiếu chờ đến ngày đáo hạn theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014. Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị đối với những nội dung này nhằm giúp doanh nghiệp, cũng như các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh theo hướng tiệm cận hơn với thông lệ kế toán quốc tế và phù hợp với thực tiễn công tác kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng quan về kế toán đầu tư cổ phiếu kinh doanh, nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán và trái phiếu chờ đến ngày đáo hạn
Kế toán đầu tư cổ phiếu kinh doanh, nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán
Điều 15 của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 và một số điểm được sửa đổi theo Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 đã đưa ra nguyên tắc và hướng dẫn kế toán đầu tư chứng khoán kinh doanh được thực hiện ghi chép trên TK 121 "Chứng khoán kinh doanh" và cụ thể cho đầu tư cổ phiếu kinh doanh được thực hiện trên Tài khoản 1211 "Cổ phiếu": Phản ánh tình hình mua, bán cổ phiếu với mục đích nắm giữ để bán kiếm lời. Kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu liên quan đến đầu tư chứng khoán kinh doanh nói chung và cổ phiếu kinh doanh nói riêng có thể được tóm lược như sau:
(i) Khi mua cổ phiếu kinh doanh, căn cứ vào chi phí thực tế mua (giá mua cộng (+) chi phí môi giới, giao dịch, chi phí thông tin, lệ phí, phí ngân hàng…), ghi:
Nợ TK 121 (1211): Cổ phiếu kinh doanh
Có các TK 111, 112, 331
Có TK 141: Tạm ứng
Có TK 244: Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
(ii) Khi chuyển nhượng cổ phiếu kinh doanh, căn cứ vào giá bán cổ phiếu:
- Trường hợp có lãi, ghi:
Nợ TK 111, 112, 131... (tổng giá thanh toán)
Có TK 121(1211): Cổ phiếu kinh doanh (giá vốn bình quân gia quyền)
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá vốn).
- Trường hợp bị lỗ, ghi:
Nợ TK 111, 112, 131... (tổng giá thanh toán)
Nợ TK 635: Chi phí tài chính (chênh lệch giữa giá bán nhỏ hơn giá vốn)
Có TK 121(1211): Cổ phiếu kinh doanh (giá vốn bình quân gia quyền).
- Các chi phí về bán cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 635: Chi phí tài chính
Có TK 111, 112, 331...
(iii) Trường hợp doanh nghiệp nhượng bán chứng khoán kinh doanh dưới hình thức hoán đổi cổ phiếu, doanh nghiệp phải xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về tại thời điểm trao đổi. Phần chênh lệch (nếu có) giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về và giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi được kế toán là doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ).
(iv) Khi lập Báo cáo tài chính (BCTC) vào cuối kỳ, nếu giá thị trường của cổ phiếu kinh doanh cao hơn giá mua (giá gốc) thì kế toán không thực hiện điều chỉnh.
(v) Khi lập BCTC vào cuối kỳ, nếu giá thị trường của cổ phiếu kinh doanh thấp hơn giá mua (giá gốc) thì kế toán lập bút toán dự phòng giảm giá cổ phiếu kinh doanh ghi phần chênh lệch giá vào chi phí tài chính:
Nợ TK 635: Chi phí tài chính
Có TK 229 (2291): Dự phòng tổn thất tài sản
(vi) Khi lập BCTC vào cuối kỳ kế toán tiếp theo, căn cứ vào biến động giá trị thị trường của cổ phiếu kinh doanh, nếu số phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Kế toán đầu tư trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn
Điều 16 của Thông tư số 200/2014/TT-BTC đã đưa ra nguyên tắc và hướng dẫn kế toán đầu tư trái phiếu được thực hiện ghi chép trên TK 128 "Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn" và chi tiết TK 1282 "Trái phiếu": phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của các loại trái phiếu mà doanh nghiệp có khả năng và có ý định nắm giữ đến ngày đáo hạn. Kế toán các giao dịch liên quan đến trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn được hướng dẫn trong phần phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế.
Thảo luận và một số đề xuất
Đối với kế toán đầu tư cổ phiếu kinh doanh, nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán
Thông tư số 200/2014/TT-BTC không hướng dẫn chi tiết cho trường hợp đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán. Tuy nhiên, Điều 45 phần nguyên tắc kế toán dự phòng tổn thất tài sản có ghi "Riêng khoản đầu tư mà nhà đầu tư nắm giữ lâu dài (không phân loại là chứng khoán kinh doanh) và không có ảnh hưởng đáng kể đối với bên được đầu tư, việc lập dự phòng được thực hiện như sau: Đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết hoặc giá trị hợp lý khoản đầu tư được xác định tin cậy, việc lập dự phòng dựa trên giá trị thị trường của cổ phiếu (tương tự như dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh). Như vậy, phương pháp kế toán đối với cổ phiếu đầu tư nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán được thực hiện giống như đầu tư cổ phiếu kinh doanh.
Phương pháp giá trị hợp lý cũng được sử dụng cho kế toán đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán giống như đầu tư cổ phiếu kinh doanh, nghĩa là cũng được trình bày trên bảng cân đối kế toán theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại ngày lập Bảng cân đối kế toán) là hoàn toàn phù hợp bởi các công ty đầu tư cũng hy vọng bán các khoản đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán theo giá thị trường.
Tuy nhiên, kế toán lập dự phòng (hay hoàn nhập) dự phòng giảm giá đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán cần có sự khác biệt với đầu tư cổ phiếu kinh doanh bởi tính chất và thời gian đầu tư của hai trường hợp này không giống nhau. Bút toán lập (hoặc hoàn nhập) dự phòng giảm giá cổ phiếu kinh doanh trước khi lập báo cáo tài chính được thực hiện giống như hướng dẫn của Thông tư số 200/2014/TT-BTC sẽ tác động đến cả Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh. Số lãi (hoặc lỗ) chưa thực hiện của cổ phiếu kinh doanh cũng được trình bày trên Báo cáo kết quả kinh doanh chỉ ra sự thay đổi của giá thị trường cổ phiếu mỗi kỳ.
Tuy nhiên, phần chênh lệch giá hay được gọi là lãi (hoặc lỗ) chưa thực hiện của các khoản đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán nên được trình bày trực tiếp trong phần "Vốn chủ sở hữu" của Bảng cân đối kế toán để báo cáo sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá gốc của cổ phiếu vào cuối mỗi kỳ mà không cần phải trình bày trên Báo cáo kết quả kinh doanh giống như cổ phiếu kinh doanh.
Các giao dịch mua và bán đối với đầu tư cổ phiếu kinh doanh có tính chất thường xuyên liên tục hơn so với đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán, do vậy các khoản lãi (hoặc lỗ) chưa thực hiện của cổ phiếu kinh doanh cần được trình bày trực tiếp trên Báo cáo kết quả kinh doanh từng kỳ và phần nào sẽ phản ánh được lãi (lỗ) thực sẽ phát sinh ngay kỳ tiếp theo khi công ty đầu tư bán các cổ phiếu kinh doanh.
Tuy nhiên, đối với các khoản đầu tư cổ phiếu nắm giữa lâu dài sẵn sàng để bán thì điều này không thực sự hợp lý khi các giao dịch mua bán cổ phiếu loại đầu tư này không thường xuyên như cổ phiếu kinh doanh bởi công ty đầu tư còn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu chờ tăng giá (có thể một thời gian khá dài sau đó). Do vậy, không cần thiết phải ghi nhận khoản lãi (hoặc lỗ) chưa thực hiện của các cổ phiếu này trên Báo cáo kết quả kinh doanh. Cụ thể, phương pháp kế toán dự phòng giảm giá đối với khoản đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán như sau:
- Khi lập Báo cáo tài chính vào cuối kỳ, nếu giá thị trường của cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán cao hơn giá mua (giá gốc) thì kế toán không thực hiện điều chỉnh gì.
- Khi lập Báo cáo tài chính vào cuối kỳ, nếu giá thị trường của cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán thấp hơn giá mua (giá gốc) thì kế toán lập bút toán dự phòng giảm giá cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán ghi phần chênh lệch giá vào tài khoản "Lỗ chưa thực hiện từ đầu tư cổ phiếu" và được ghi giảm "Vốn chủ sở hữu" trên Bảng cân đối kế toán:
Nợ TK "Lỗ chưa thực hiện từ đầu tư cổ phiếu"
Có TK "Dự phòng tổn thất tài sản"
- Khi lập Báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán tiếp theo, căn cứ vào biến động giá trị thị trường của cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán, nếu số phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK "Lỗ chưa thực hiện từ đầu tư cổ phiếu"
Có TK "Dự phòng tổn thất tài sản"
- Khi lập Báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán tiếp theo, căn cứ vào biến động giá trị thị trường của cổ phiếu nắm giữ lâu dài sẵn sàng để bán, nếu số phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK "Dự phòng tổn thất tài sản"
Có TK "Lỗ chưa thực hiện từ đầu tư cổ phiếu"
Đối với kế toán đầu tư trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn
Kế toán các giao dịch liên quan đến trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn được hướng dẫn trong phần phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu tại Điều 16 của Thông tư số 200/2014/TT-BTC như trên là còn sơ sài, không chi tiết, cụ thể và không rõ ràng dẫn đến sự khó khăn và vận dụng khác nhau trong thực hành kế toán cũng như công tác giảng dạy.
Hướng dẫn của Thông tư số 200/2014/TT-BTC như trên chỉ đúng và chỉ vận dụng được cho một trường hợp, đó là đầu tư trái phiếu của công ty phát hành trái phiếu ngang giá (giá phát hành bằng mệnh giá) với ba tình huống trả trước lãi trái phiếu (ngay khi phát hành), trả lãi trái phiếu định kỳ và trả lãi trái phiếu sau (khi trái phiếu đáo hạn). Do vậy, vấn đề đặt ra là còn hai trường hợp là nếu đầu tư trái phiếu của công ty phát hành trái phiếu có chiết khấu (giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá) và phát hành trái phiếu có phụ trội (giá phát hành lớn hơn mệnh giá) sẽ ghi nhận như thế nào?
Trên cơ sở các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (CMKT) liên quan và đặc biệt là CMKT Việt Nam Số 14 "Doanh thu và thu nhập khác" đoạn 25 định nghĩa doanh thu từ tiền lãi được ghi nhận trên cơ sở thời gian và lãi suất thực tế từng kỳ và đoạn 26 ghi rõ "Lãi suất thực tế là tỷ lệ lãi dùng để quy đổi các khoản tiền nhận được trong tương lai trong suốt thời gian cho bên khác sử dụng tài sản về giá trị ghi nhận ban đầu tại thời điểm chuyển giao tài sản cho bên sử dụng. Doanh thu tiền lãi bao gồm số phân bổ các khoản chiết khấu, phụ trội, các khoản lãi nhận trước hoặc các khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ ban đầu của công cụ nợ và giá trị của nó khi đáo hạn", bài viết hướng dẫn chi tiết thêm về kế toán đầu tư trái phiếu của công ty phát hành trái phiếu có chiết khấu (giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá) và phát hành trái phiếu có phụ trội (giá phát hành lớn hơn mệnh giá) như sau:
Thứ nhất, phương pháp kế toán nghiệp vụ đầu tư trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn của công ty phát hành trái phiếu có chiết khấu (giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá).
Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi trước
- Khi trả tiền mua trái phiếu nhận lãi trước, ghi:
Nợ TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo số tiền thực chi + lãi trái phiếu nhận trước)
Có các TK 111, 112,… (số tiền thực chi)
Có TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện (phần lãi nhận trước).
- Định kỳ, tính và kết chuyển lãi của kỳ kế toán theo số lãi phải thu từng kỳ, ghi:
Nợ TK 128 (1282): Phần phân bổ định kỳ khoản chiết khấu trái phiếu
Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (doanh thu tiền lãi)
- Thu hồi giá gốc trái phiếu khi đến hạn thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo mệnh giá trái phiếu)
Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi định kỳ
- Khi trả tiền mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo số tiền thực chi ra)
Có các TK 111, 112, ...
- Định kỳ ghi nhận tiền lãi trái phiếu:
Nợ các TK 111, 112, 138
Nợ TK 128 (1282): Phần phân bổ định kỳ khoản chiết khấu trái phiếu
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (doanh thu tiền lãi)
- Thu hồi giá gốc trái phiếu khi đến hạn thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo mệnh giá trái phiếu)
Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi sau
- Khi trả tiền mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo số tiền thực chi ra)
Có các TK 111, 112,...
- Định kỳ tính lãi trái phiếu và ghi nhận doanh thu theo số lãi phải thu từng kỳ, ghi:
Nợ TK 138 (1388): Phải thu khác
Nợ TK 128 (1282): Phần phân bổ định kỳ khoản chiết khấu trái phiếu
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (doanh thu tiền lãi)
- Khi đến hạn thanh toán trái phiếu, thu hồi gốc và lãi trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo mệnh giá trái phiếu)
Có TK 138 (1388): Phải thu khác (số lãi của các kỳ trước)
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (lãi kỳ đáo hạn)
Thứ hai, phương pháp kế toán nghiệp vụ đầu tư trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn của công ty phát hành trái phiếu có phụ trội (giá phát hành lớn hơn mệnh giá).
Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi trước
- Khi trả tiền mua trái phiếu nhận lãi trước, ghi:
Nợ TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo số tiền thực chi + lãi trái phiếu nhận trước)
Có các TK 111, 112,… (số tiền thực chi)
Có TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện (phần lãi nhận trước).
- Định kỳ, tính và kết chuyển lãi của kỳ kế toán theo số lãi phải thu từng kỳ, ghi:
Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 128 (1282): Phần phân bổ định kỳ khoản phụ trội trái phiếu
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (doanh thu tiền lãi)
- Thu hồi giá gốc trái phiếu khi đến hạn thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo mệnh giá trái phiếu)
Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi định kỳ
- Khi trả tiền mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo số tiền thực chi ra)
Có các TK 111, 112, ...
- Định kỳ ghi nhận tiền lãi trái phiếu:
Nợ các TK 111, 112, 138
Có TK 128 (1282): Phần phân bổ định kỳ khoản phụ trội trái phiếu
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (doanh thu tiền lãi)
- Thu hồi giá gốc trái phiếu khi đến hạn thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo mệnh giá trái phiếu)
Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi sau
- Khi trả tiền mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo số tiền thực chi ra)
Có các TK 111, 112,...
- Định kỳ tính lãi trái phiếu và ghi nhận doanh thu theo số lãi phải thu từng kỳ, ghi:
Nợ TK 138 (1388): Phải thu khác
Có TK 128 (1282): Phần phân bổ định kỳ khoản phụ trội trái phiếu
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (doanh thu tiền lãi)
- Khi đến hạn thanh toán trái phiếu, thu hồi gốc và lãi trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 (1282): Đầu tư trái phiếu (theo mệnh giá trái phiếu)
Có TK 138 (1388): Phải thu khác (số lãi của các kỳ trước)
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (lãi kỳ đáo hạn)
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp;
Bộ Tài chính (2001), Quyết định số 149/2001/QÐ-BTC ngày 31/12/2001 về việc ban hành và công bố bốn (04) Chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 1);
IASB (2015), IAS 39 – Financial Instruments: Recognition andMeasurement;
Nikolai L.A, Bazley J.D, and Jones J.P. (2010), Intermediate Accounting, 11th edition, South-Western, Cengage Learning.