Lộ trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công

Văn Hòa

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với các thông lệ quốc tế, song vẫn còn khoảng cách nhất định với thông lệ quốc tế. Việc ban hành Hệ thống các Chuẩn mực kế toán công sẽ tạo ra một môi trường pháp lý quan trọng cho lĩnh vực kế toán nhà nước, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia.

Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi ban hành sẽ là cơ sở để các đơn vị trong lĩnh vực công thực hiện công tác kế toán
Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi ban hành sẽ là cơ sở để các đơn vị trong lĩnh vực công thực hiện công tác kế toán

Việt Nam hiện chưa có quy định hệ thống chuẩn mực kế toán công, các đơn vị thực hiện theo chế độ kế toán áp dụng cho từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn như: Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc; Thông tư số 102/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 hướng dẫn kế toán bảo hiểm xã hội; Thông tư số 108/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia; Chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị HCSN của Đảng; Chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị công đoàn...

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với các thông lệ quốc tế, song vẫn còn khoảng cách nhất định với thông lệ quốc tế về việc ghi nhận và trình bày các thông tin về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước, kế toán các quỹ tài chính, kế toán thuế và kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp. 

Quá trình triển khai các quy định về kế toán công tại Việt Nam cũng cho thấy, những hạn chế, khó khăn như: Hoạt động của các đơn vị trong lĩnh vực công rất đa dạng, tại nhiều các đơn vị khác nhau. Cơ chế tài chính theo định hướng cải cách ngày càng tiếp cận các phương thức quản lý mới, dần dần nâng cao trách nhiệm của các đơn vị kế toán trong khi các hoạt động của các đơn vị mang tính tự chủ nhiều hơn, càng đặt ra yêu cầu áp dụng phương pháp kế toán tuân thủ theo các thông lệ, quy tắc chung là chuẩn mực kế toán quy định...

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đang triển khai thực hiện Đề án Tổng Kế toán Nhà nước nhằm xây dựng hệ thống báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, yêu cần đặt ra là phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam để có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình, và nội dung thông tin báo cáo tài chính nhà nước do Tổng Kế toán Nhà nước cung cấp.

Trước đòi hỏi từ thực tiễn này, ngày 31/7/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt “Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam”. Trong đó, Đề án đặt ra mục tiêu tổng quát đó là "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công, kịp thời, đầy đủ và được quốc tế thừa nhận. Xác định các cơ sở để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước, thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước của Kho bạc nhà nước...".

Theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC, Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi ban hành sẽ là cơ sở để các đơn vị trong lĩnh vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước đặc biệt là thống nhất tập trung dữ liệu của các đơn vị kế toán công và áp dụng các quy định của kế toán theo thông lệ quốc tế, hướng dẫn đến kế toán dồn tích đầy đủ đối với đối tượng là kế toán công, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.

Theo lộ trình đề ra tại Quyết định số 1299/QĐ-BTC, từ năm 2019 đến năm 2024, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết thực hiện Đề án để đảm bảo ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo từng giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 (năm 2019), Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam và thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

Trong giai đoạn 2 (2020 - 2024), nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo lộ trình sau: Đợt 1 thực hiện từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020; Đợt 2 thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021; Đợt 3 thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022; Đợt 4 thực hiện từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023; Các đợt còn lại thực hiện từ tháng 01/2024.

Sau khi ban hành được 21 chuẩn mực (4 đợt nêu trên), Bộ Tài chính sẽ tổng kết, đánh giá và lựa chọn các chuẩn mực còn lại trong các giai đoạn tiếp theo phù hợp với cơ chế, chính sách trong khu vực công được sửa đổi, bổ sung đồng bộ, phù hợp với với các nguyên tắc của chuẩn mực.