Bảng giá đất năm 2010 của TP.HCM: Giá bồi thường theo thị trường

Theo SGTT

Theo tờ trình của UBND TP.HCM gửi HĐND thành phố về điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn TP.HCM (dự kiến công bố ngày 1.1.2010), thì ba tuyến đường có giá đất cao nhất là Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi với 81 triệu đồng/m2. Thấp nhất là ở huyện Cần Giờ 1,2 triệu đồng/m2. Về giá đất nông nghiệp: đất trồng cây lâu năm có mức giá cao nhất là 162.000 đồng/m², đất rừng sản xuất 72.000 đồng/m², đất làm muối 74.400 đồng/m²... Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sẽ giữ nguyên tỷ lệ 60% so với giá đất ở.

Trong số 2.890 tuyến đường xác định giá đất, có 157 tuyến đường bổ sung mới. Nhằm giữ tính ổn định, thành phố cho giữ nguyên giá đất ở hầu hết các tuyến đường. Trong đó giá đất ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) cũng giữ nguyên, chỉ có 12 tuyến đường đề xuất điều chỉnh tăng giá gồm: ba tuyến đường trên địa bàn quận 1, 6 và 8 do tiếp giáp với dự án xây dựng đại lộ Đông Tây vừa đưa vào sử dụng trong năm 2009; bốn tuyến đường đã hoàn thành cơ sở hạ tầng tại quận 12 và Bình Tân; năm tuyến đường trên địa bàn quận 5 do sơ sót giữ nguyên bảng giá đất từ năm 2008 nên không còn phù hợp. Như vậy, bảng giá đất năm 2010 về cơ bản vẫn giữ nguyên so với bảng giá đất năm 2009, một trong những mục tiêu khi xác định bảng giá các loại đất năm 2010 là tạo điều kiện thuận lợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bốn nhóm mục đích

Bảng giá các loại đất năm 2010 chỉ còn áp dụng cho bốn nhóm mục đích. Một là tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Hai là tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất. Ba là, tính lệ phí trước bạ. Bốn là, tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước. Ba nhóm mục đích bị bãi bỏ là: tính tiền bồi thường đối với hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá; tính tiền sử dụng đất, thuê đất, giao đất…

 

Điểm được xem là đột phá so với bảng giá đất của năm 2009 là khung giá đất năm 2010 sẽ thả nổi giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Như vậy trong điều kiện người dân bị giải toả, di dời sẽ căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế để tính tiền bồi thường mà không bị giới hạn bởi khung giá đất do thành phố quy định. Ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vinaland nhận xét: “Thành phố bỏ điểm này là đúng vì trước nay doanh nghiệp không dùng giá đất của thành phố ban hành để đền bù được, mà phải bám giá thị trường, doanh nghiệp tự thoả thuận với người dân”. Cũng theo ông Hoàng, trong lúc mặt bằng giá bất động sản của thành phố đang cao ngất ngưởng như hiện nay, việc không tăng giá đất sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng mua nhà đất. Giá đất ổn định, các doanh nghiệp sẽ chủ động tính được giá đầu vào, tạo tâm lý phấn khởi cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, bảng giá đất dự kiến áp dụng cho năm 2010 vẫn còn khoảng cách khá xa so với giá thị trường, trung bình khoảng 4 – 6 lần. Đơn cử, tại Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) UBND thành phố đề xuất vẫn giữ nguyên mức giá như năm 2009 là 81 triệu đồng/m2. Thực tế, hiện giá thị trường ở ba tuyến đường này khoảng 650 – 860 triệu đồng/m2 (tuỳ khu vực, vị trí, diện tích…)