Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013

Theo Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia

ỦY BAN GIÁM SÁT

TÀI CHÍNH QUỐC GIA

 

Số:        /UBGSTCQG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày   tháng 06  năm 2013

 

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ VIỆT NAM 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ DỰ BÁO CẢ NĂM 2013

(Tài liệu phục vụ cuộc họp Chính phủ tháng 6/2013)

* Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm hơn dự báo do khủng hoảng ở Châu Âu và suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trong nửa đầu năm 2013, để đảm bảo sự phục hồi tăng trưởng và ngăn chặn sự lên giá tương đối của nội tệ, nhiều ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất.

* Fed tuyên bố sẽ từng bước điều chỉnh chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2013 và 2014 đang và sẽ tác động đến thị trường tài chính thế giới và các nền kinh tế mới nổi, kể cả Việt Nam.

* Giá thế giới trong những tháng đầu năm 2013 tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm 2011. NHTG dự báo trong năm 2013 giá năng lượng sẽ giảm 2% (trong đó giá dầu giảm 2,4%) và giá nông sản giảm 6% so với năm 2012.

* Trong 6 tháng 2013, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng GDP được duy trì bằng mức cùng kì năm ngoái nhờ những giải pháp tháo gỡ khó khăn theo tinh thần của Nghị quyết 02. Sự phục hồi tăng trưởng chưa thực sự chắc chắn do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao, trong khi khả năng cân đối NSNN năm 2013 rất khó khăn.

* Lạm phát thấp do tổng cầu yếu và xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới, tạo dư địa cho điều chỉnh giá cơ bản trong 6 tháng cuối năm& tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI

1. Về tăng trưởng kinh tế thế giới

Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm hơn dự báo do khủng hoảng ở Châu Âu và suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (NHTG)trong tháng 6/2013, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2013, thấp hơn mức dự báo đầu năm là 2,4% và mức 2,3% của năm 2012.

Khu vực Eurovẫn đang là khu vực có nhiều dấu hiệu kém lạc quan khi quý I/2013 là quý thứ 6 có mức tăng trưởng âm, với mức tăng GDP so với quý trước là âm 0,2% và so với cùng kì năm trước là âm 1,1%.Tỷ lệ thấp nghiệp của khu vực Euro tiếp tục tăng từ khoảng 10% trong năm 2011 lên 12,2% trong tháng 4/2013.

Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 7,7% trong năm 2013, giảm so với mức dự báo 8,4% vào đầu năm, do khả năng ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt tín dụng để kiểm soát rủi ro tín dụng[1] và đang phải đối mặt với khả năng nợ địa phương ở ngoài tầm kiểm soát[2].

Ấn Độ cũng chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 4,8% trong quý 1/2013, thấp hơn mức 5,3% của cùng kì năm trước và tiếp tục xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng từ đầu năm 2010. Ấn Độ cũng đang phải nối mặt với tình hình nợ xấu khi theo Morgan Stanley, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Ấn Độ đã lên tới 9%, tập trung vào các đối tượng người nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mười trong số các tập đoàn gia đình lớn cũng chiếm tới 13% toàn bộ tổng số nợ của hệ thống, đa phần được xếp vào loại nợ đang thực hiện mặc dù trong tình trạng rất yếu kém.

Tăng trưởng kinh tế thế giới có sự hỗ trợ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản. Mỹ đang duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 2% từ đầu năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 9% trong năm 2011 xuống 7,6% trong tháng 5/2013, chỉ số giá nhà S&P/Case Shiller trong tháng 4/2013 đã tăng 12,1% so cùng kì năm trước, niềm tin tiêu dùng ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ số tín nhiệm tăng từ mức tiêu cực lên ổn định.

Nhật Bản cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng dương từ quý 1/2012 với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức trên 4,5% đầu năm 2012 xuống còn 4,1% trong tháng 4/2013.

Trong nửa đầu năm 2013, để đảm bảo sự phục hồi tăng trưởng và ngăn chặn sự lên giá tương đối của nội tệ, nhiều ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất,[3] thậm chí xuống mức thấp kỉ lục như ECB (0,5%), Ngân hàng trung ương Ôx-tra-lia (2,75%), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (0%). Nhiều khả năng, chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước sẽ được duy trì đến hết năm 2013, nhất là Châu Âu và Nhật Bản. Nhật Bản thực hiện chính sách đồng Yên yếu và dự kiến tăng gấp đôi cung tiền lên đến 140.000 tỷ Yên nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% vào cuối năm.ECB cũng dự kiến giảm lãi suất xuống 0% (hiện nay là 0,5%) và sẵn sàng chi không giới hạn mua trái phiếu để cứu khu vực Euro (trước đó đã chi 524 tỷ euro). FED tuyên bố sẽ xem xét điều chỉnhchương trình mua trái phiếu (hay nới lỏng định lượng) vào cuối năm 2013 và có thể sẽ ngừng hẳn vào giữa năm 2014 nếu kinh tế tiếp tục phục hồi. Tuyên bố trên của FED cũng cho thấy nguy cơ đảo chiều dòng vốn đầu tư vào trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi[4],qua đó sẽ làm USD tăng giá[5], lãi suất dự báo cũng sẽ tăng. Thực tế, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đã có xu hướng tăng kể từ tháng 7/2012 (từ 1,4% lên 2,55%vào tháng 6/2013).

2. Về giá hàng hóa thế giới

Giá thế giới trong những tháng đầu năm 2013 tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm 2011[6].Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi (nhất là Trung Quốc và Ấn Độ) chậm lại đã khiến nhu cầu tiêu thụ lương thực và năng lượng giảm cũng như việcđồng tiền của các nước xuất khẩu giảm giá đã khiến giá nông sản tính bằng USD giảm. NHTG dự báo trong năm 2013 giá năng lượng sẽ giảm 2% (trong đó giá dầu giảm 2,4%) và giá nông sản giảm 6% so với năm 2012.

Hình 1: Chỉ số giá nông sản và năng lượng thế giới, 2005=100

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013  - Ảnh 1

Nguồn: Thị trường hàng hóa (NHTG)

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ TRONG NƯỚC

Tiếp tục những thành tựu đạt được trong năm 2012, trong 6 tháng đầu năm 2013, môi trường kinh tế vĩ mô đã được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,4%, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, đạt mức kỷ lục, giá trị VND tiếp tục được cải thiện, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định. Trong khi tình hình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm là một sự cố gắng khá ấn tượng của Chính phủ, nhất là trong điều kiện các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 02 chưa triển khai được nhiều.

1. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát

a. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi mặc dù ở mức thấp và chưa thực sự chắc chắn.

Tăng trưởngGDP 6 tháng đầu năm 2013 (theo giá 2010 và so cùng kì năm trước) đạt 4,9%, tương đương mức tăng của cùng kì năm trước. Tăng trưởng được duy trì chủ yếu nhờ cải thiện về tăng trưởng của khu vực xây dựng và dịch vụ, trong khi nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp suy giảm.

Bảng 1: Tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2010-2013, % tăng GDP giá 2010 so cùng kì năm trước

 

2010

2011

2012

2013

GDP

6,2

5,9

4,9

4,9

Nông nghiệp

3,6

4,0

2,4

1,9

Lâm nghiệp

4,7

4,4

5,0

5,2

Thủy sản

4,3

3,4

4,8

2,3

Công nghiệp

5,9

7,8

6,2

5,2

Xây dựng

10,7

-0,2

2,0

5,1

Dịch vụ

7,1

6,2

5,3

5,9

Trong đó:

 

 

 

 

Khách sạn và nhà hàng

8,0

7,0

6,5

8,8

Kinh doanh tài sản & dịch vụ tư vấn

5,0

3,5

0,6

1,8

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Những dấu hiệu cho thấy sản xuất đang có chuyển biến tích cực bao gồm:

- Chỉ số sản xuất công nghiệp mặc dù còn thấp hơn cùng kì năm trước nhưng đã tăng dần từ tháng 3/2013;[7]mức tăng chỉ số tồn kho (so cùng kì năm trước) đã giảm từ 21,5% tại thời điểm 01/01/2013 xuống còn 9,7% tại thời điểm 1/6/2013.[8]

- Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tư liệu sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2013 tăng17,8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sản xuất có chuyển biến tích cực. Hơn nữa, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu của khu vực trong nước tăng 6,3%, cải thiện đáng kể so với mức giảm 8,2% của cùng kì năm trước.

- Xuất khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm 2013, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước,[9]so với mức 6,6% của 6 tháng 2012, trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 2,2%.

Tuy nhiên, sự phục hồi tăng trưởng chưa thực sự chắc chắn do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao.Do đó, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 vẫn là một thách thức lớn.

- Nguyên nhân trước hết là cầu nội địa chậm hồi phục[10], tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội6 tháng đầu năm chỉ đạt xấp xỉ 40% kế hoạch năm. Trong khi đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013, sau khi loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% so với mức 6,5% của 6 tháng đầu năm 2012; cùng với đó tín dụng tiêu dùng cũng giảm sút trong năm 2012 (Hình 3) và 6 tháng đầu năm 2013 ảnh hưởng không nhỏ đến tổng cầu.

- Bên cạnh sức cầu yếu thì chi phí cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp[11].

Hình 2: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, % tăng so cùng kì năm trước

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013  - Ảnh 2

Nguồn: Tổng cục thống kê

Hình 3: Dư nợ khu vực hộ gia đình giai đoạn 2009-2012

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013  - Ảnh 3

Nguồn: UBGSTCQG

b. Lạm phát thấp tạo dư địa cho điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản

Chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,05% so với tháng trước, 6,69% so cùng kì năm trước, và 2,4% so tháng 12/2012. Mặc dù, lạm phát theo tháng dao động tương đối lớn nhưng chủ yếu do tính mùa vụ nên lạm phát so cùng kì năm trước khá ổn định từ quý 4/2012, duy trì ở mức trên dưới 7%. Nguyên nhân giúp lạm phát được duy trì ổn định là do tổng cầu yếukhi giá mặt hàng thiết bị và đồ dùng gia đình, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thôngđều có xu hướng giảmvà do xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới (nhất là giá lương thực và giá dầu thô).Nếu không có sự tăng giá mạnh của nhóm hàng dược phẩm, y tế và giáo  thì lạm phát chung sẽ không những ổn định mà còn có xu hướng giảm:tốc độ tăng trung bình (không có trọng số) của giá nhóm các hàng hóa ngoài dược phẩm, y tế, giáo dục, đã giảm từ 5,9% trong tháng 1/2013 xuống còn 4,7% trong tháng 6/2013.

Trong 6 tháng cuối năm, khi giá thế giới được dự báo ổn định và cầu trong nước chậm khôi phục, nếu không có những thay đổi về chính sách kinh tế vĩ mô cũng như giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng thấp trong 6 tháng cuối năm 2013 và lạm phát cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 5% (UBGSTCQG).

Hình 4: Lạm phát so tháng trước và cùng kì năm trước 1/2011-6/2012, % tăng CPI

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013  - Ảnh 4

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Hình 5: Chỉ số giá so cùng kì năm trước theo nhóm hàng hóa 1/2011-6/2012

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013  - Ảnh 5

Nguồn: Tổng cục Thống kê và UBGSTCQG

So với mục tiêu lạm phát điều hành của Chính phủ 6-6,5% của năm 2013, mức lạm phát dự báo khoảng5% (nếu không điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản) cho phép một dư địa nhất định để điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá điện tăng 1% sẽ có ảnh hưởng làm tăng CPI 0,07% (trong đó 0,04% tăng do ảnh hưởng trực tiếp và 0,03% do ảnh hưởng gián tiếp). Trên cơ sở đó, giá điện có thể điều chỉnh trong phạm vi 10%-15% (bao gồm cả điều chỉnh tiếp giá than bán cho điện). Ngoài ra vẫn còn dư địa để có thể áp dụng tỷ giá linh hoạt hơn trong những tháng cuối năm.

2. Cân đốingân sách nhà nước 2013 đang đối mặt với nhiều thách thức, phụ thuộc lớn vào phục hồi sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp

Trong 5 tháng đầu năm 2013, tổng thu cân đối NSNN chỉ tăng 1,0% so cùng kì năm trước, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch tăng 10% thu NSNN của năm 2013. Khi thu từ dầu thô tăng khá ở mức 9,4% thì tổng thu NSNN tăng thấp do thu nội địa chỉ tăng 1,8% và thu xuất nhập khẩu giảm 7%.Thu từ dầu có thể khó giữ được tốc độ tăng như trong 5 tháng đầu năm khi giá dầu thế giớiđược dự báo có xu hướng giảm từ nay đến cuối năm.[12]

3. Cân đối vốn đầu tư toàn xã hội

UBGSTCQG cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013, việc cân đối vốn đầu tư cho nền kinh tế ở mức 30% GDP là một thách thức không nhỏ. Với giả định lạm phát 2013 ở mức 6,5%, tín dụng tăng 12% và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 2012, UBGSTCQG ước tính tổng vốn đầu tư còn thiếu khoảng 50-70 nghìn tỷ. Ngoài ra, giải ngân kịp tiến độ trong 2013 cũng là yêu cầu hết sức cấp thiết để đảm bảo tăng trưởng đạt mục tiêu (6 tháng đầu năm vốn đầu tư ước đạt 40% kế hoạch).

4. Khu vực tài chính

a. Thị trường tài chính, tiền tệ chuyển biến tích cực với 3 nhân tố

(i) Thanh khoản trên thị trường tiền tệ và của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt. (ii) Chất lượng tài sản của các TCTD và các công ty chứng khoán chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các hạng mục rủi ro cao và tăng tỷ trọng các hạng mục rủi ro thấp. (iii) Quỹ dự phòng rủi ro của các TCTD được tăng cường. Chính vì vậy, năng lực cấp tín dụng của các TCTD phục vụ nền kinh tế đã được cải thiện hơn nhiều so với 2011 và 2012; tương tự năng lực tài chính của các công ty chứng khoán đã được tăng cường, góp phần tạo nền tảng ổn định hơn cho toàn hệ thống.

III. KIẾN NGHỊ

- Trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt và nhiềukhả năng sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% của năm 2013,trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hànhcần ưu tiên hơnnữa cho tăng trưởng kinh tế nhằmđạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013 bằng những giải pháp mạnh hơn nữa nhằm tạo cầu cho nền kinh tế. Đồng thời, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng cần được xem xét khi trong điều kiện lạm phát còn dư địa. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản có thể chia thành 2 lần vào tháng 9 và tháng 11 vì theo dự báo của UBGSTCQG thì lạm phát (so với cùng kỳ) sẽ ở mức thấp nhất trong quãng thời gian này.

- Đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công, thông qua việc phát hành TPCP cho các dự án lớn đang thiếu vốn nhằm khơi thông dòng vốn trong xây dựng cơ bản,góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng; sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ chi đầu tư NSNN vào những công trình trọng điểm qui mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và nợ đọng thuế,tăng tiết kiệm chi thường xuyên trong những tháng cuối năm để đảm bảo cân đối NSNN trong năm 2013.

- Do thủ tục phát hành trái phiếu Chính phủ cần nhiều thời gian (xin phép Quốc hội), UBGSTCQG kiến nghị Chính phủ cho tạm ứng hạn mức trái phiếu chính phủ 2014 để kịp đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn đầu tư ngay trong năm 2013.

- Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế.

- Trước tình hình chính sách tiền tệ của FED và một số nước có thể thay đổi đang gây ra những tác động không nhỏ đến các nền kinh tế mới nổi, nhất là các nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào trái phiếu Chính phủ, UBGSTCQG kiến nghị NHNN và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến dòng vốn đầu tư trái phiếu và có phương án chủ động ứng phó, đảm bảo ổn định tỷ giá và thị trường tài chính.



[1]Tăng trưởng GDP trong quý 1/2013 của Trung Quốc chỉ đạt mức 7,7%, thấp hơn mức 7,9% của quý trước và 8,1% của cùng kì năm trước;

[2] Nợ của các tỉnh, thành phố, quận huyện và xã Trung Quốc hiện vào khoảng 1,6 đến 3,2 nghìn tỷ USD, tương đương 20-40% quy mô kinh tế đất nước;

[3]Ví dụ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ix-ra-en, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kì, Hung-ga-ri, Cô-lôm-bia…

[4] Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm (Hedge Fund) SLJ Macro Partners, từ 2009 có khoảng 4.000 tỷ USD đã được đổ vào các nền kinh tế mới nổi; Theo thống kê của EPFR Global, trong vòng 4 tuần vừa qua có tới 6,9 tỷ USD đã được rút khỏi các quốc gia đang phát triển.

[5] Theo thống kê của Bloomberg, trong tháng vừa qua, đồng tiền của 19 trong tổng số 24 nền kinh tế mới nổi đã bị mất giá so với USD.

[6]Theo số liệu của NHTG, trong 5 tháng đầu năm 2013, giá năng lượng, giá kim loại, và giá nông sản đã giảm tương ứng 4,8%, 17,5% và 3,7%; trong đó, giá lương thựcgiảm 3,8%, giá nguyên liệu thô giảm 4,5%, giá gạo giảm 4,2% (trong đó, giá gạo Thái Lan giảm 4,4% và gạo Việt Nam giảm 3,6%), giá dầu thô giảm 5,5%.

[7]Tính chung 3, 4, 5và 6 thángđầu năm 2013, IIP tăng so với cùng kì năm trước tương ứng là 6,8%, 4,9%, 5%, 5,2% và 5,2%; 

[8]Đối với Quảng Ninh, theo Báo cáo của UBND tỉnh trong buổi làm việc với UBGSTCQG, tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng 6 tháng/2013 ước đạt 4,3%, cao hơn mức 3,1% của năm 2012. Mức tiêu thụ xi măng, clinker, điện và than tăng tương ứng là 15%, 69%, 59% và 7% so với cùng kì.

[9]Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ tăng mạnh nhất là: điện thoại và linh kiện tăng 103,1%; điện tử và máy tính tăng 41,6%; giầy dép tăng 11,4%; phương tiện vận tải tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12%.

[10] Tham khảo chỉ số PMI của HSCB trong tháng 5/2013 cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tại các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm lần thứ hai trong vòng bốn tháng qua, chủ yếu do điều kiện yếu kém của thị trường trong nước khi mà số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng.

[11]Theo kết quả làm việc của UBGSTCQG với các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh, hiện nay các doanh nghiệp chịu rất nhiều gánh nặng chi phí như chi phí vận tải, chi phí thuê đất, chi phí do nợ đọng xây dựng cơ bản, chi phí do thủ tục hành chính về phê duyệt và triển khai các dự án, chi phí do khó tiếp cận với vốn vay từ khu vực ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm. Chỉ số tham khảo PMI của HSCB tại tháng 5/2013 cũng cho thấy giá cả đầu vào tăng tháng thứ năm liên tiếp do thiếu một số loại nguyên vật liệu thô và giá cả nhập khẩu cao.

[12]Theo dự báo của Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kì (EIA), giá dầu WTI và Brent trung bình cả năm ở mức 93,25 và 104,65 USD/thùng, thấp hơn so với mức 94 và 107 USD/thùng của giá bình quân của 6 tháng đầu năm.