Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch những tháng đầu năm tăng mạnh

Theo gso.gov.vn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại trong nước và vận tải tháng 4/2021 tăng so với cùng kỳ năm trước, do tháng 4/2020 thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động thương mại trong nước và vận tải tháng 4 năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước do tháng 4/2020 thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nên hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa và nhu cầu vận tải giảm mạnh. Hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Riêng khách quốc tế đến nước ta tháng 4/2021 vẫn giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3/2021 đạt 29.654 triệu USD, cao hơn 1.054 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%. Trong 4 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 57,58 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 36,6 tỷ USD, tăng 27,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 7,33 tỷ USD, tăng 8,8%. Nhóm hàng thủy sản đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3/2021 đạt 28.457 triệu USD, cao hơn 257 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 4/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 35,69 tỷ USD, tăng 24,8% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,92 tỷ USD, tăng 34,2%. Trong 4 tháng đầu năm 2021 có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 96,31 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,1%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Hoa Kỳ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 3/2021 xuất siêu 1,2 tỷ USD[5]; quý I xuất siêu 2,79 tỷ USD; tháng Tư ước tính nhập siêu 1,5 tỷ USD. Ước tính 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu 1,29 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,21 tỷ USD.

Vận tải hành khách tháng 4/2021 ước tính đạt 294,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,9% so với tháng trước và luân chuyển 13,5 tỷ lượt khách.km, tăng 11,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.263,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 27,5%) và luân chuyển 54,8 tỷ lượt khách.km, giảm 5,8% (cùng kỳ năm trước giảm 30,6%). V

ận tải hàng hóa tháng 4/2021 ước tính đạt 153,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 6,1% so với tháng trước và luân chuyển 30,3 tỷ tấn.km, tăng 5,2%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 617,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,2%) và luân chuyển 116,9 tỷ tấn.km, tăng 12,1% (cùng kỳ năm trước giảm 7,8%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4/2021 ước tính đạt 19,5 nghìn lượt người, tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 67,6 nghìn lượt người, giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước.