Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 8 tháng đầu năm 2018

Theo gso.gov.vn

Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu. Tính đến ngày 15/8, cả nước đã gieo cấy được 1.567,5 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.103 nghìn ha, bằng 97,8%; các địa phương phía Nam đạt 464,5 nghìn ha, bằng 102,6%.

Vụ mùa năm nay các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ nắng nóng kéo dài gây khó khăn cho việc gieo trồng, tiếp đến là mưa lớn nhiều ngày từ trung tuần tháng Bảy làm ngập úng diện tích mới gieo cấy.

Các địa phương đã chủ động khắc phục nhanh hậu quả mưa bão, hiện lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang xuất hiện rải rác trên một số trà lúa. Các địa phương cần tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất toàn vụ.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.052,7 nghìn ha, giảm 13,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, chủ yếu do đầu vụ xảy ra nắng hạn ở một số tỉnh phía Nam và ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ngập úng trên diện rộng tại một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ.

Đến trung tuần tháng Tám cả nước đã thu hoạch được 945,8 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 46,1% diện tích xuống giống và bằng 91,9% cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 855,7 nghìn ha, chiếm 53,3% và bằng 92,7%.

Tiến độ thu hoạch lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước do lịch xuống giống muộn và chịu ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu năm nay ước tính đạt 54,5 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ hè thu trước, nhưng do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng chung toàn vụ hè thu 2018 ước tính đạt 11,2 triệu tấn, giảm 23 nghìn tấn so với vụ hè thu năm 2017.

Tính đến giữa tháng Tám, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 403,3 nghìn ha lúa thu đông, bằng 91,7% cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều và lịch xuống giống vụ hè thu năm nay muộn hơn so với cùng kỳ. Một số địa phương có diện tích gieo cấy giảm so với cùng kỳ năm trước: Long An giảm 12 nghìn ha; Kiên Giang giảm 9 nghìn ha; Đồng Tháp giảm 7,1 nghìn ha. Hiện tại lúa thu đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển khá tốt.

Gieo trồng hoa màu đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng trên diện rộng. Tính đến ngày 15/8, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 930,4 nghìn ha ngô, bằng 95,4% cùng kỳ năm trước; 104,4 nghìn ha khoai lang, bằng 98,2%; 170,8 nghìn ha lạc, bằng 96%; 50 nghìn ha đậu tương, bằng 75,4%;  941,5 nghìn ha rau, đậu, bằng 104,4%.

Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Chăn nuôi lợn khởi sắc hơn với các hoạt động tái đàn, quay trở lại nuôi trên khắp cả nước do giá thịt lợn tiếp tục giữ ở mức cao. Đàn trâu của cả nước trong tháng ước tính giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,1%; đàn lợn tăng 0,2%; đàn gia cầm tăng 5,9%. Tính đến thời điểm 26/8/2018, cả nước không còn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Lâm nghiệp

Trong tháng Tám, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 22,8 nghìn ha, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt gần 6,8 triệu cây, giảm 0,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.220 nghìn m3, tăng 12,9%; sản lượng củi khai thác đạt 1,7 triệu ste, giảm 2,3%.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi đạt 139,7 nghìn m3, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm 2017; Tuyên Quang đạt 127,9 nghìn m3, tăng 50%; Hà Tĩnh đạt 32,8 nghìn m3, tăng 130%.

Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 138,6 nghìn ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 49,6 triệu cây, bằng cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 7.736 nghìn m3, tăng 9,6% (chủ yếu phục vụ chế biến gỗ dăm và gỗ xuất khẩu); sản lượng củi khai thác đạt 16,5 triệu ste, giảm 1,7%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong 8 tháng năm nay là 909,7 ha, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 293,7 ha, giảm 25,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 616 ha, giảm 3,8%.

Thủy sản

Trong tháng Tám, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 683,6 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 475,3 nghìn tấn, tăng 6%; tôm đạt 106 nghìn tấn, tăng 10,4%; thủy sản khác đạt 102,3 nghìn tấn, tăng 2,6%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 360,8 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 231 nghìn tấn, tăng 6%; tôm đạt 91,6 nghìn tấn, tăng 12%. Nuôi cá tra tiếp tục đạt khá, sản lượng cá tra tháng Tám ước tính đạt 114,8 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 42,4 nghìn tấn, tăng 4,7%; An Giang đạt 36,4 nghìn tấn, tăng 44,2%.

Nuôi tôm nước lợ gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, cùng với giá tôm có chiều hướng tăng trở lại đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi. Sản lượng tôm sú trong tháng ước tính đạt 30,2 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 54,1 nghìn tấn, tăng 11,5%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 8/2018 ước tính đạt 322,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 244,3 nghìn tấn, tăng 5,9%; tôm đạt 14,4 nghìn tấn, tăng 1,4%; thủy sản khác đạt 64,1 nghìn tấn, tăng 3,1%. Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, ước tính sản lượng khai thác biển đạt 303,5 nghìn tấn, tăng 5,2%.

Tính chung 8 tháng năm 2018, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.929,1 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.531 nghìn tấn, tăng 6,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.398,1 nghìn tấn, tăng 5% (sản lượng khai thác biển đạt 2276,5 nghìn tấn, tăng 5,2%).