Bảo đảm quyền lợi của người lao động nước ngoài tại Việt Nam
Theo chương trình nghị sự, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật lần này là bổ sung quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Gần 92 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước những năm qua đã tạo điều kiện, cơ hội cho việc dịch chuyển lao động từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2023, có hơn 91.600 người lao động nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó phân loại theo vị trí công việc: nhà quản lý 12.108 người, giám đốc điều hành 7.561 người, chuyên gia 35.328 người, lao động kỹ thuật 36.552 người. Điều này cho thấy, người lao động là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam khá lớn.
Trên thực tế, trong quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động ở một số nơi đã phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp lao động. Do đó, người lao động là người nước ngoài cũng cần được đại diện, để chăm lo và bảo vệ quyền lợi tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo kết quả khảo sát sơ bộ có 53% người lao động là người nước ngoài có nhu cầu kết nạp vào Công đoàn Việt Nam; 68% người sử dụng lao động sẵn sàng với việc kết nạp người lao động nước ngoài vào Công đoàn Việt Nam.
Mong muốn là vậy nhưng trên thực tế ở nhiều công đoàn cơ sở, người lao động là người nước ngoài có nhu cầu tham gia công đoàn đang gặp khó khăn do vướng mắc quy định pháp luật. Bởi Luật Công đoàn 2012 chỉ quy định “người lao động là người Việt Nam” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Điều này cho thấy, việc gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam vẫn còn để ngỏ.
Lấp khoảng trống pháp luật
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tổ chức công đoàn có nhiệm vụ chăm lo, đại diện cho tất cả công nhân lao động, không phân biệt là lao động có quốc tịch Việt Nam hay nước nào.
Trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã xác định rõ: “thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 quy định cho phép người lao động là người nước ngoài được quyền gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, đồng thời, tổ chức này có quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam. Quy định này đã gián tiếp mở ra khả năng cho phép người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
Cùng với đó, kinh nghiệm quốc tế ở một số nước như: Úc, Singapore, Hàn Quốc... cho thấy, các quốc gia này đã ghi nhận quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài.
Hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà tiêu biểu là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Là thành viên của 9/10 Công ước quốc tế cơ bản về lao động, Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc tôn trọng và thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO (cấm phân biệt đối xử trong lao động; xóa bỏ các hình thức lao động cưỡng bức; quyền tự do hiệp hội và thương lượng…).
Để lấp khoảng trống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) xây dựng 2 phương án. Theo đó, phương án 1 dự kiến bổ sung quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn Việt Nam của người lao động nước ngoài (không có quyền thành lập) tại khoản 2 Điều 5: “Người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở”. Đồng thời, dự thảo Luật quy định “Cán bộ công đoàn” phải “là công dân Việt Nam” (khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật).
Quy định này của dự thảo Luật nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động nước ngoài, nhất là nhu cầu được chăm lo, tham gia hoạt động công đoàn, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài. Cùng với đó phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ các đối tượng lao động di cư, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Góp phần mở rộng ảnh hưởng và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tăng thêm sức mạnh của công đoàn
Ở một góc nhìn khác, việc kết nạp người lao động là người nước ngoài vào Công đoàn Việt Nam mà vẫn kiểm soát tốt được những thách thức không chỉ khẳng định sức mạnh của công đoàn mà còn khẳng định sức mạnh, sự phát triển của Việt Nam, độ tin cậy, uy tín của Việt Nam trước thế giới.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cho rằng, khi quy định người lao động nước ngoài được gia nhập và hoạt động Công đoàn Việt Nam cũng là cơ sở để Công đoàn Việt Nam đề nghị, đặt vấn đề với các nước đang tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng có hành động thiện chí trong đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam. Xem xét ghi nhận quyền công đoàn của người lao động nước ngoài (lao động di cư) tại Việt Nam thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của lao động di cư. Khi đó những quyền và lợi ích của người lao động di cư Việt Nam ở các quốc gia khác mới được bảo đảm một cách vững chắc, tránh sự phân biệt đối xử và bóc lột. Ngoài ra, việc bổ sung quy định mới này nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động; phù hợp với Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức.
Không phải cho đến thời điểm này, đề xuất người nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn Việt Nam mới được đặt ra. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ năm 2012 khi xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Không ít ý kiến khi ấy đã ủng hộ bổ sung quy định người nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn Việt Nam vì cho rằng quy định này bảo đảm sự bình đẳng về quyền giữa lao động là người Việt Nam và nước ngoài cũng như tạo sự thuận lợi hơn để công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động là người nước ngoài. Đồng thời, đây cũng là hướng mở trong hội nhập quốc tế và cũng là điều kiện thuận lợi để quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên ở thời điểm đó, vấn đề này chưa được đưa vào Luật Công đoàn 2012.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quyền tự do hiệp hội của người lao động được mở rộng hơn với việc cho phép ra đời “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần tạo lập khung khổ pháp lý đủ rộng, bổ sung quy định quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài vào trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.