Bao giờ đủ lực chống chuyển giá?

Theo Đại biểu Nhân dân

Cơ chế thỏa thuận về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế - được Quốc hội thông qua tháng 11/2012. Điều này liệu có giúp ngành thuế kiểm soát hiệu quả hoạt động chuyển giá trốn thuế hay không?

Bao giờ đủ lực chống chuyển giá?

Chỉ ít ngày sau khi những nghi vấn chuyển giá trốn thuế của một số tập đoàn đa quốc gia được xới tung trên các phương tiện truyền thông, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội thảo về quản lý hoạt động chuyển giá.

Thừa nhận phạm vi và mức độ chuyển giá ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến, Vụ trưởng kiêm Phó trưởng ban cải cách của Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến khẳng định không có chuyện bất lực trước các công ty này. “Tổng cục đã phát hiện, nhìn thấy những trường hợp này nhưng trong nguồn lực của mình chưa thể tiến hành ngay. Một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng nhiều khi phải xác định có thể mất 1, 2 năm thậm chí như ở Australia còn lâu hơn. Họ theo đuổi một vụ tới 13 năm mà vẫn chưa thành công”, ông Tiến cho biết.

Người ta có thể tin lời ông Tiến rằng cơ quan thuế “không bất lực”. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh thanh tra 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chuyển giá, kết quả: đã truy thu được 11,3 tỷ đồng tiền thuế và kéo số lỗ giảm 368 tỷ đồng. Lùi thời gian lại một chút, trên phạm vi cả nước, trong năm 2011 ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra 921 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, và có dấu hiệu chuyển giá, qua đó xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2010; tiến hành truy thu và phạt vi phạm hành chính thuế 1.669 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2010.

Nhưng người ta cũng sẽ đặt câu hỏi: ngành thuế đang thiếu những nguồn lực gì để kiểm soát chuyển giá và bao giờ thì đủ lực để ứng phó được với các tập đoàn đa quốc gia sừng sỏ?

Chuyển giá thực chất đã trở thành vấn đề đau đầu của ngành Thuế từ nhiều năm nay. Bởi, để nghi ngờ doanh nghiệp chuyển giá trốn thuế thì dễ, nhưng để tìm được bằng chứng thì không đơn giản. Các doanh nghiệp có hành vi chuyển giá thường là các doanh nghiệp đa quốc gia, có đội ngũ chuyên gia tư vấn giỏi và kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch tránh thuế … mà vẫn không phạm luật. Thậm chí, có ý kiến nhận định, hầu như mọi chiêu thức chuyển giá trên thế giới đều đã được áp dụng tại Việt Nam.

Trong khi đó, các đơn vị quản lý của nước ta không đủ thông tin, cơ sở pháp lý cần thiết để xác định hành vi chuyển giá, chuyển thuế của doanh nghiệp. Chẳng hạn ta không có bộ cơ sở dữ liệu về nguyên liệu để nói doanh nghiệp trốn thuế. Tất cả đồ nhập khẩu của họ đều có hóa đơn đầy đủ. Ta nói con chip này giá chỉ 10 USD, nhưng doanh nghiệp nói là 20 USD và họ trình hóa đơn nhập khẩu để chứng minh. Khi liên hệ với nhà cung cấp thì họ cũng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nên nói đúng số liệu của doanh nghiệp khai là 20 USD.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các hoạt động quản lý chống chuyển giá cũng diễn ra rất chậm. Đến năm 2010, Thông tư 66/2010/TT-BTC ra đời và được cho là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định các trường hợp chuyển giá. Thông tư này khá cụ thể, chi tiết, có nhiều ví dụ minh họa nhưng nội dung của Thông tư rất khó hiểu, ngôn ngữ sử dụng dưới dạng văn dịch rất khó cho người thực thi hiểu và xử lý trong thực tiễn.

Trong số các lý do khiến các cơ quan chức năng không thể mạnh tay với các doanh nghiệp chuyển giá có cả vấn đề năng lực cán bộ. Cán bộ thuế chuyên trách về chuyển giá, được đào tạo bài bản và chuyên sâu hiện tại vẫn chưa có nhiều, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm công tác của bản thân hoặc đi tập huấn ở nước ngoài với thời gian ngắn. Hiện nay, bộ máy ngành thuế được tổ chức theo mô hình quản lý theo chức năng là chủ yếu. Do đó, trong một thời gian dài, việc quản lý thuế trong lĩnh vực chuyển giá thường do nhiều bộ phận thực hiện, chưa có bộ phận chuyên sâu và còn có hiện tượng chồng chéo, gây khó khăn trong điều hành quản lý.

Hiện tượng chuyển giá không chỉ làm ngân sách quốc gia bị thất thu một số tiền lớn mà nó còn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho cả nền kinh tế như cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, nạn đình công gia tăng, môi trường đầu tư kém cạnh tranh… Hơn thế, hoạt động chuyển giá không bao giờ chấm dứt, có thể sẽ ngày càng tinh vi hơn vì lúc nào cũng có những doanh nghiệp tìm cách lách luật, tìm kẽ hở để hưởng lợi. Ngay cả những nước phát triển cũng phải đương đầu với vấn đề này. Do vậy, vấn đề là cơ quan thuế phải có đủ lực, đủ biện pháp để xử lý các đơn vị chuyển giá này cũng như các quy định, chế tài càng ngày càng chặt chẽ, nghiêm minh hơn.

Với việc bổ sung cơ chế thỏa thuận về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 20.11 vừa qua, hy vọng các cơ quan chức năng có thể kiểm soát hiệu quả hơn vấn đề này. Theo cơ chế APA, các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam sẽ phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá, hoặc mức giá khi tiến hành mua, bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế với các cơ quan thuế ở Việt Nam. Về phần mình, cơ quan thuế sẽ tự mình, hoặc phối hợp với các cơ quan thuế nước ngoài có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để giám sát danh mục giá các mặt hàng mà doanh nghiệp đăng ký.

 Tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp chuyển giá

Một bộ phận công chúng Anh đang có tâm lý tẩy chay sản phẩm của Starbucks- thương hiệu chuỗi cà phê số 1 thế giới, chuyên gia về chống chuyển giá Australia Michael Palmer cho biết tại Hội thảo Quản lý hoạt động chuyển giá - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội. “Starbucks có rất nhiều cửa hàng tại Anh và chắc chắn nếu bạn đến Anh, bạn sẽ có cảm nhận rằng đây là một công ty kinh doanh cực kỳ thành công. Thế nhưng họ nói với cơ quan thuế họ không có lãi”. Vì vậy người dân Anh không đến Starbucks, họ dựng lên hàng rào trước cửa hàng của Starbucks và Quốc hội đang tổ chức một số phiên điều trần khi các chính trị gia phẫn nộ về việc tại sao Starbucks không chịu đóng thuế, theo ông Michael Palmer.

“Đội đặc nhiệm” chống chuyển giá

Theo ông Colins Clavey, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vấn đề chuyển giá không chỉ nằm ở cấp độ so sánh mức giá sản phẩm này với sản phẩm kia. Có những trường hợp không thể tìm được giao dịch tương đương để có thể so sánh. Trong những trường hợp ấy, việc xác định giá giao dịch tương đương phụ thuộc rất nhiều vào việc đàm phán, thỏa thuận giữa cơ quan thuế với doanh nghiệp.

Để có thể thực thi được quy định về chuyển giá, các nước phải có một đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về chuyển giá. Để xây dựng được đội ngũ chuyên gia có thể đàm phán và nói chuyện với các công ty đa quốc gia về vấn đề chuyển giá, phải mất 2 - 3 năm. “Bên cạnh đó, việc học hỏi từ phía các doanh nghiệp cũng rất hữu ích, ví dụ có thể học kinh nghiệm, hiểu biết từ các công ty kiểm toán nước ngoài. Ở các quốc gia phát triển, hiện tại họ vẫn áp dụng cách này” - ông Colins nói.