Bảo hiểm hàng không: Đã thấy cơ hội lớn
(Tài chính) “Hợp đồng Bảo hiểm hàng không năm 2014” vừa được ký kết giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với tổ hợp 3 nhà bảo hiểm gốc là Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Bảo hiểm Bảo Việt.
Cơ hội bảo hiểm 150 máy bay năm 2020
Theo đó, 3 nhà bảo hiểm sẽ cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng không cho toàn bộ đội máy bay gồm 82 chiếc của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), giá trị bảo hiểm trên 4 tỷ USD và mức trách nhiệm trên 2 tỷ USD/1 sự cố.
Theo nguồn tin của phóng viên, tại Hợp đồng này, doanh nghiệp đứng đầu cung cấp bảo hiểm là VNI (40%), Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt cùng mức 30%. Nếu có sự thay đổi tài sản (mua mới máy bay) trong năm 2014 thì sẽ tự động thay đổi về số lượng máy bay được bảo hiểm, nhưng số lượng nhà bảo hiểm gốc vẫn giữ nguyên. Jardine Lloyd Thompson Limited là doanh nghiệp môi giới tái bảo hiểm cho các nhà bảo hiểm gốc.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, VNI và Bảo hiểm Bảo Việt là các nhà bảo hiểm gốc của Vietnam Airlines trong nhiều năm qua. Sự tham gia của Bảo hiểm PVI năm nay sẽ giúp gia tăng năng lực cung cấp dịch vụ của tổ hợp các nhà bảo hiểm gốc, đặc biệt tăng cường khả năng và mức độ bồi thường khẩn cấp cho khách hàng của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines dự kiến mở rộng đội bay lên 101 chiếc vào năm 2015 và 150 chiếc vào năm 2020 với nhiều chủng loại máy bay tân tiến trên thế giới như Airbus A350XWB, Boeing 787-9. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm gốc trong tương lai.
Ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI đánh giá, việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với Vietnam Airlines đánh dấu một bước phát triển mới của Công ty trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không.
Doanh nghiệp nhỏ khó với
Những năm qua, cung cấp bảo hiểm hàng không cho Vietnam Airlines (đơn vị chủ lực trong vận tải hàng không tại Việt Nam và khu vực tiểu vùng sông Mê Kông) vẫn là những cái tên quen thuộc như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh hay doanh nghiệp bảo hiểm nội ngành của Vietnam Airlines là VNI (Vietnam Airlines là cổ đông sáng lập VNI).
Năm 2014, sau 1 năm cùng với PTI tham gia bảo hiểm phi hàng không cho Vietnam Airlines, Bảo hiểm PVI đã chính thức bước chân vào bảo hiểm hàng không cho đối tác tầm cỡ này. Theo Bảo hiểm PVI, Công ty được chọn vì đã khẳng định được điều kiện cần về uy tín, năng lực tài chính, kinh nghiệm (doanh nghiệp từng cung cấp dịch vụ bảo hiểm gốc cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Jetstar Pacific Airlines…), nhưng quan trọng nhất vẫn là cam kết mạnh mẽ trước Vietnam Airlines đối với vấn đề bồi thường. Công ty cam kết tạm ứng bồi thường cho Vietnam Airlines số tiền 20 triệu USD trong trường hợp có tổn thất lớn.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 1/3 trong tổng số 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định (400 tỷ đồng) để tham gia bảo hiểm hàng không, nhưng chỉ có những doanh nghiệp hàng đầu mới đủ năng lực thực sự để tham gia cung cấp dịch vụ.
Trên thực tế, đối với bảo hiểm hàng không, một khi xảy ra rủi ro thì thường mang tính chất thảm họa, với mức bồi thường lớn, giải quyết phức tạp và thời gian kéo dài. Do vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, các hãng hàng không luôn coi trọng việc lựa chọn chương trình bảo hiểm với các doanh nghiệp lớn, có uy tín, năng lực tài chính và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhỏ vẫn có cơ hội. Chẳng hạn, năm ngoái, sau khi đạt mức vốn điều lệ 400 tỷ đồng, MIC đã được Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ định là nhà cung cấp bảo hiểm hàng không cho 2 máy bay trực thăng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và khai thác thương mại.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ cho biết, doanh nghiệp đang nghiên cứu cung cấp bảo hiểm hàng không cho các hãng hàng không nhỏ, đồng thời tìm cách cung cấp bảo hiểm phi hàng không cho Vietnam Airlines để dần hiện thực hóa việc ký kết bảo hiểm hàng không với Tổng công ty này trong tương lai.