Bảo hiểm hưu trí: Cuộc tranh giành thị phần bắt đầu
(Tài chính) Thông tư 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm (BH) hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện được cho là đã mở đường cho các doanh nghiệp (DN) tham gia vào thị trường BH hưu trí, chia lửa với “quỹ lương hưu” Nhà nước có nguy cơ vỡ trong tương lai.
Ông Stephen Clark, Tổng giám đốc Công ty AIA Việt Nam cho biết, những quy định mới về sản phẩm hưu trí ra đời gần đây là một cơ hội hấp dẫn cho các công ty BH. Theo Hiệp hội BH Việt Nam, đến thời điểm này có 6 DN đủ điều kiện triển khai sản phẩm hưu trí tự nguyện, trong đó 4 DN đã tung sản phẩm ra thị trường; Prudential và Bảo Việt Nhân Thọ đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để tiếp tục đưa sản phẩm ra thị trường. Đại diện Bảo Việt Nhân Thọ cho biết, họ sẽ nhắm đến khách hàng nhóm là những chủ DN sử dụng lao động.
Hàng loạt sản phẩm được các DN công bố vừa qua cho thấy xu hướng tích cực về khả năng chia lửa với Nhà nước. Các sản phẩm đáng chú ý thời gian này có “An nhàn hưu trí” của Dai-ichi, “Điểm tựa hưu trí” của Manulife, “An nghiệp hưu trí” của AIA, “Hưu trí PVI Sun Life”… Ông Robin Macpherson, quyền Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, sau 3 tháng ra mắt sản phẩm “Điểm tựa hưu trí”, công ty này đã tư vấn cho nhiều DN trên toàn quốc và nhận được phản hồi tích cực.
Trong đề án hưu trí tự nguyện và bổ sung để tăng cường cho an sinh xã hội, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 500 DN với trên 150.000 lao động tham gia mua BH hưu trí, hoặc đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư. Thực tế đến nay, lương hưu chủ yếu vẫn dựa vào chính sách đóng BH xã hội của các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Trong một nghiên cứu của Nielsen, cả nước hiện có hơn 5,6 triệu người lao động ở độ tuổi từ 65 trở lên và số người sắp đến tuổi nghỉ hưu đang tăng lên. Điều này cho thấy, thị trường BH hưu trí là mảnh đất mầu mỡ và ngày càng có nhiều tiềm năng.
“Khoảng 20% người lớn tuổi có lương hưu hiện nay ở Việt Nam, trong khi tuổi thọ và thu nhập của người dân đang ngày một tăng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường BH hưu trí rất rộng lớn, nhất là khi số người có BH hưu trí tự nguyện chưa nhiều”, Robin Macpherson nhận định. AIA Việt Nam tính toán, với hơn 3,5 triệu khách hàng tiềm năng, trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngành BH sẽ đạt 100% và phí BH sẽ đạt 4.000 tỷ đồng vào năm 2018.
Ông Takashi Fujii, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dai-ichi Việt Nam cho rằng, xã hội vững mạnh, phát triển phải dựa trên nền tảng BH và chính sách an sinh xã hội cho toàn dân. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với hơn 60 triệu người ở độ tuổi lao động và mức thu nhập ngày càng nâng cao. Trong 20 năm nữa, dự kiến dân số Việt Nam sẽ già đi rất nhanh, phát triển sản phẩm hưu trí hiện nay nhằm tạo cho người dân tham gia để có thêm nguồn thu nhập trong tương lai khi đến tuổi về hưu.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự ra đời của nhiều sản phẩm BH hưu trí chất lượng và nhu cầu về một cuộc sống an nhàn lúc về hưu, giới kinh doanh BH tin tưởng người lao động sẽ sớm cân nhắc đến các giải pháp tài chính có thể tạo ra thu nhập để tích lũy và chăm lo cho cuộc sống hưu trí. Đồng thời người lao động và đơn vị sử dụng lao động sẽ sớm lựa chọn BH hưu trí tự nguyện như một phần quan trọng trong việc lập kế hoạch tài chính dài hạn.
Tuy nhiên, với mô hình BH hưu trí đang tung ra thị trường là sản phẩm nhóm nên hầu hết các DN sử dụng lao động đều cần cân nhắc và thời gian để xem xét khả năng ngân quỹ chuẩn bị đến đâu. Theo ông Stephen Clark, bên cạnh những sản phẩm tiết kiệm và BH truyền thống, BH hưu trí sẽ là một lựa chọn hấp dẫn khác dành cho khách hàng trong việc hoạch định tài chính cho tương lai. Sẽ có được một lựa chọn dài hạn với tính năng bảo vệ cao và mang lại hiệu quả về thuế là điều khá quan trọng trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thật sự ổn định và các sản phẩm ngân hàng dài hạn và bảo đảm còn khá hạn chế.