Bảo hiểm vi mô bảo vệ người nghèo, người có thu nhập thấp
Nghị định số 21/2023/NĐ-CP về bảo hiểm vi mô ra đời với kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện giúp hoạt động bảo hiểm vi mô phát triển, từ đó, bảo vệ cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Nối tiếp Chương trình tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, sáng 29/11, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo tập huấn Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023 của Chính phủ quy định về bảo hiểm vi mô nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai sản phẩm của doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Chủ trì Hội thảo gồm có bà Phạm Thị Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính); bà Lý Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Bảo hiểm nhân thọ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và một số lãnh đạo cục, vụ khác trong ngành Tài chính.
Đến dự Hội thảo còn có đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty bảo hiểm phi nhân thọ, các quỹ tương hỗ…
Góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội
Phát biểu đề dẫn Hội thảo tập huấn về lĩnh vực bảo hiểm vi mô, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phạm Thị Phương cho biết, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm được thiết kế và cung cấp hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp, những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn gián, dễ hiểu.
Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 chưa có quy định về bảo hiểm vi mô. Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định về bảo hiểm vi mô và giao Chính phủ quy định chi tiết về bảo hiểm vi mô.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng với các quy định mang tính đặc thù nhằm tạo điều kiện cho bảo hiểm vi mô phát triển, phù hợp với nhu cầu các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Nghị định số 21/2023/NĐ-CP nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô. Từ đó, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
“Khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm này, người nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận với các giải pháp tài chính đối phó với rủi ro, thiệt hại trong cuộc sống”, bà Phương chia sẻ.
Nhằm làm rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm vi mô tới các doanh nghiệp, tổ chức, bà Lý Thị Thu Thủy đã có những giải trình cụ thể về một số nội dung chính được quy định trong Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.
Cụ thể, ngoài các điều khoản về quy định chung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và điều khoản thi hành, Nghị định số 21/2023/NĐ-CP bao gồm các điều khoản quy định cụ thể về sản phẩm bảo hiểm vi mô, quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động, chế độ tài chính, hạch toán kế toán, báo cáo tài chính, công khai thông tin của các tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô…
“Ai cũng có nhu cầu được bảo vệ”
Tại Hội thảo tập huấn, bà Kiều Nguyệt Ngọc – Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, người lao động nghèo nói riêng và toàn thể người lao động nói chung đều rất mong muốn có sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho riêng mình, nhất là với những người lao động thu nhập thấp, thuộc hộ nghèo.
“Với sản phẩm vi mô, tôi thấy rất thiết thực và muốn được triển khai nhân rộng trong tổ chức công đoàn, tuy nhiên nếu thành lập một quỹ tương hỗ riêng thì chồng chéo với quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm”, bà Ngọc phát biểu.
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phạm Thị Phương cho biết, nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn cung cấp sản phẩm tương hỗ như bảo hiểm vi mô cho người lao động, nhằm bảo vệ người lao động, đặc biệt người nghèo, người có thu nhập thấp trước mọi rủi ro tài chính, sức khỏe có thể liên kết với các doanh nghiệp bảo hiểm để triển khai, phân phối sản phẩm này.
Bà Phương cho biết thêm, theo quy định tại Nghị định số 21/2023/NĐ-CP, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị. Số tiền bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị.
Như vậy, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô khoảng vài chục nghìn đến 100 nghìn đồng mỗi tháng, số tiền bảo hiểm tối đa là 120 triệu đồng, phù hợp với các sản phẩm bảo hiểm vi mô đã được triển khai thí điểm trong thời gian qua, phù hợp với khả năng của người lao động thu nhập thấp, hộ nghèo.
“Phí bảo hiểm chỉ chừng 100 nghìn đồng mỗi tháng, tức là mỗi ngày người tham gia bảo hiểm vi mô chỉ đóng phí khoảng vài nghìn đồng, nhưng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm khi xảy ra rủi ro không mong muốn mang lại lên tới vài chục triệu đồng, là một số tiền có rất có ý nghĩa, rất đáng quý đối với người nghèo, người có thu nhập thấp trong lúc khó khăn”, bà Phương chia sẻ thêm.