Bao nhiêu ngân hàng sẽ “mất tên”?

Minh Huệ - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đi đúng hướng và sẽ còn có những thông tin sáp nhập ngân hàng trong thời gian tới.

Bao nhiêu ngân hàng sẽ “mất tên”?
Đến năm 2017, sẽ chỉ còn 15 - 17 ngân hàng. Nguồn: internet

“Thậm chí, còn có những ngân hàng sẽ bị giải thể, cho phá sản nếu không có cơ hội phục hồi và phát triển. Những bước đi này nhằm làm giảm bớt số lượng ngân hàng cũng như đưa hệ thống ngân hàng vào hoạt động ổn định, chất lượng”, ông Kiên bình luận.

Làn sóng sáp nhập

Khởi động làn sóng sáp nhập trong năm 2015 là thông tin Vietcombank sẽ sáp nhập một ngân hàng vào hệ thống. Đối tượng được xác định là Saigonbank. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, nếu như tái cơ cấu ngân hàng Xây dựng mà không thành công cũng như không tìm được đối tác để sáp nhập, có thể Vietcombank sẽ phải “ôm” nốt. Do khi xảy ra khủng hoảng tại ngân hàng này, Vietcombank đã hỗ trợ chính, nên đã hiểu rõ về ngân hàng này.

Một nguồn tin đáng tin cậy cũng cho biết: BIDV và Vietinbank sẽ sáp nhập một ngân hàng vào hệ thống. Theo đó, BIDV sẽ sáp nhập một ngân hàng phía Nam, đối tượng được xác định là ngân hàng thương mại nhà nước. Còn Vietinbank được xác nhận là sẽ nhận PGBank.

Trước đây, khi có thông tin sẽ về một nhà với Vietinbank, PGBank đã đưa thông tin lên website của ngân hàng nhưng sau đó gỡ xuống. Nguyên nhân được đại diện ngân hàng này giải thích là do thời điểm đó chưa được Ngân hàng Nhà nước đồng ý. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Hiện hai bên đang thực hiện khảo sát, sớm nhất cũng phải đến cuối tháng 6/2015 hoặc cuối năm mới có thông tin chính thức.

Một nguồn tin nữa liên quan đến ABBank khi Chính phủ chỉ đạo EVN dừng đấu giá cổ phần mà tập đoàn này đang nắm giữ tại ABBank. Theo ông Kiên, việc dừng đấu giá này, có thể hiểu là Chính phủ muốn vực dậy ngân hàng này bằng cách sẽ làm cho ngân hàng này lớn mạnh lên theo hướng hợp nhất với một ngân hàng nào đó để mở rộng quy mô và mạng lưới. Hoặc có thể bán cho một tổ chức tài chính nước ngoài.

Hiện ABBAnk đang có 3 cổ đông lớn là MayBank, IFC và EVN. Nếu bán cho nước ngoài, có thể Chính phủ sẽ đồng ý phương án tăng lượng sở hữu cổ phần nước ngoài tại ABBank. Mong muốn của ABBank là muốn được bán cho đối tác nước ngoài lên 49%. Đây cũng là một hướng tốt để tái cơ cấu ngân hàng.

Nếu trường hợp của ABBank thành hiện thực, thì đây cũng sẽ không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất trong việc sử dụng nguồn lực nước ngoài vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Trước đó, GPBank đã được bán 100% vốn cho đối tác nước ngoài là ngân hàng UOB của Singapore. Hiện nay, ngân hàng này vẫn đang trong quá trình chuyển giao. Sau khi hoàn tất, GPBank sẽ là chi nhánh ngân hàng 100% vốn ngoại.

Một nguồn tin cho biết, hiện đang có một vài ngân hàng cũng muốn bán lượng lớn cổ phần cho nước ngoài nhiều hơn tỷ lệ 30%. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang còn cân nhắc.

Sẽ rộng cửa cho nước ngoài

Một chuyên gia ngân hàng bình luận, có thể việc cho nước ngoài vào sẽ giúp hệ thống ngân hàng nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, nếu bán đi với mức giá quá rẻ thì có hợp lý không. Nhưng mức giá nào vừa hợp lý cho ngân hàng nội, lại vừa khuyến khích nhà đầu tư chi tiền lại còn phụ thuộc vào thể trạng của từng ngân hàng.

Bởi vậy, Chính phủ sẽ phải cân nhắc thiệt hơn trong cái nhìn dài hạn và tổng thể.

Dù vậy, với lộ trình tái cơ cấu theo hướng giảm số lượng ngân hàng từ hơn 30 xuống còn 15 - 17 ngân hàng đến năm 2017, làn sóng sáp nhập, hợp nhất, mua bán trong lĩnh vực ngân hàng sẽ còn sôi động.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, đến nay, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi.

“Tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định pháp luật, trong đó sẽ nâng cao vai trò chủ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước thông qua việc các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, đối với những tổ chức tín dụng yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, Ngân hàng Nhà nước cũng kiên quyết xử lý pháp nhân theo quy định của pháp luật, kể cả áp dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc thì kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc, trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, đối với ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý và hiện đang triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Đến nay, toàn hệ thống đã giảm 7 tổ chức tín dụng, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 quỹ tín dụng nhân dân thông qua sáp nhập, hợp nhất, thu hồi giấy phép, chuyển đổi hình thức hoạt động”, phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, cho biết.

Quan trọng hơn, theo Phó Thống đốc, quá trình tái cơ cấu đã giúp các tổ chức tín dụng quan tâm hơn đến đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mạng lưới cũng như nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với rủi ro.

Đến 30/11/2014, vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 435.290 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2013, tăng 23% so với cuối năm 2011.