Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 66/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Nghị định gồm 5 Chương, 32 điều quy định cụ thể về việc thống kê, kiểm kê, điều tra, đánh giá và quan trắc các vùng đất ngập nước; thành lập, quản lý khu bảo tồn đất ngập nước.

Nhà nước khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước.
Nhà nước khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước.

Đặc biệt Nghị định còn quy định các nội dung về quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và chia sẻ lợi ích trong sử dụng vùng đất ngập nước quan trọng.

3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững

Theo Nghị định này, việc bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên 3 nguyên tắc chính. Đó là tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Nghị định 66/NĐ-CP đã quy định rõ ràng các tiêu chí để xác định vùng đất ngập nước quan trọng.

Vùng đất ngập nước quan trọng là vùng đất ngập nước có diện tích từ 50 ha trở lên đối với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc từ 5 ha trở lên đối với đất ngập nước nội địa, có chứa hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí. Đó là: Có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái; Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm hoặc của 1.000 cá thể chim nước, chim di cư trở lên hoặc nơi nuôi dưỡng và bãi đẻ của ít nhất một loài thủy sản có giá trị; Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái cho một vùng sinh thái của địa phương, liên tỉnh, quốc gia, quốc tế; Có giá trị đặc biệt về cảnh quan, sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hoá đối với địa phương, quốc gia, quốc tế.

Vùng đất ngập nước quan trọng được phân cấp thành vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia và vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương.

Nhà nước khuyến khích đầu tư vào các vùng đất ngập nước

Nghị định 66/NĐ-CP thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước trong việc khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư đầu tư, tham gia vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng.

Có 4 lĩnh vực Nhà nước huy động nguồn lực đầu tư là: Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và loài chim di cư tại vùng đất ngập nước;  Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng, các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì và phòng ngừa sự biến đổi các đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước; Giám sát các hoạt động trên vùng đất ngập nước quan trọng; phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, các hoạt động du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt Nhà nước đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Chính phủ cho rằng, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thông tin liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật; được đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự tham gia trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Nhà nước thúc đẩy các phương thức quản lý, đồng quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng với sự tham gia của cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các bên có liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng; phát triển các mô hình cộng đồng quản lý bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.

Trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng, cần nâng cao trách nhiệm và đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích của cộng đồng; bảo tồn và phát huy giá trị, tri thức truyền thống, bản địa. Đặc biệt, Chính phủ và các địa phương sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cho mọi tầng lớp nhân dân bằng các phương thức truyền thông theo quy định của pháp luật, chú trọng sử dụng đến các phương thức truyền thông mới, có hiệu quả cao.