Đất ngập nước là động lực của sự sống
Các vùng đất ngập nước (ĐNN) có vai trò quan trọng cho sự sống, là cái nôi của đa dạng sinh học, cung cấp nước và môi trường sống cho sinh vật; cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho con người và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng trong các hệ sinh thái nói chung. Các vùng ĐNN còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng; là nơi nghỉ dưỡng và đóng góp đáng kể trong phát triển du lịch.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ban thư ký Công ước Ramsar đã yêu cầu các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2020 với chủ đề “Đất ngập nước là động lực của sự sống - Hãy bảo tồn đất ngập nước” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của các vùng ĐNN.
Thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Ramsar, vào ngày 2/2 hằng năm, Việt Nam tổ chức các hoạt động kỷ niệm và triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn ĐNN trên phạm vi toàn quốc.
Cùng 9 khu Ramsar được Công ước Ramsar công nhận trên cả nước, Thừa Thiên Huế đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên ĐNN Tam Giang - Cầu Hai.
Vùng ĐNN Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá bán khép kín lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa ven bờ tây vịnh Bắc bộ và khu vực ven biển miền Trung. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích 22.000 ha mặt nước, kéo dài trên 68 km dọc bờ biển của tỉnh và gồm 3 thuỷ vực kế tiếp nhau: phá Tam Giang, đầm Thủy Tú (gồm đầm An Truyền, Thanh Lam, Hà Trung, Thủy Tú hợp thành) và đầm Cầu Hai. Đây là nơi giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống và phát triển thuận lợi cho các loài thủy sinh vật, cung cấp các bãi giống, bãi đẻ, nơi của các loài chim di cư, trú đông.
Được xác định là thủy vực nước lợ điển hình, khu vực ĐNN của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi hội tụ các hệ sinh thái tiêu biểu ở vùng ven bờ với 7 kiểu ĐNN điển hình: thảm cỏ biển, bãi vùng gian triều, rừng ngập mặn, vùng nước cửa sông, đầm phá ven biển, các khu ĐNN nhân tạo sử dụng cho nuôi trồng thủy sản (ao, hồ, đầm) và đất canh tác nông nghiệp. Trong đó, hệ sinh thái cỏ biển rất đặc thù, có tính chất điển hình cho vùng ven bờ biển Việt Nam và là sinh cảnh thích hợp cho quần tụ chim nước; là nơi trú chân, kiếm ăn quan trọng đối với các loài chim di cư, trú đông (do vị trí của khu vực nằm trên tuyến di cư chính Đông Á - Úc Châu).
Thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị cũng như Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý về đa dạng sinh học nói chung và động thực vật hoang dã nói riêng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn bắt, bẫy, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.