Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Bộ Công an vào cuộc


Bộ Công an nhận định cần sớm xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm tạo cơ sở pháp lý và cơ chế hữu hiệu bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó góp phần bảo đảm quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp.

Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.
Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.

Hiện có tới 16 văn bản pháp luật đề cập tới các khía cạnh của dữ liệu cá nhân

Theo Bộ Công an, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là một yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân là hệ thống pháp luật nước ta về bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa hình thành; việc bảo vệ dữ liệu cá nhân được chia nhỏ thành nhiều khía cạnh, thể hiện ở nhiều văn bản luật và dưới luật khác nhau.

Việc xây dựng văn bản pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là một cách để Việt Nam tuân theo các thỏa ước quốc tế. Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước về nhân quyền, trong đó có ICCPR. Công ước đặt ra nhiều yêu cầu “nội luật hóa” các quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo thống kê, có tới 16 văn bản pháp luật đề cập tới các khía cạnh của dữ liệu cá nhân như: Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Trẻ em…

“Các vấn đề cần điều chỉnh thì chưa tới, trong khi một số quy định hiện có thì chưa có hiệu lực thi hành trên thực tế”, Bộ Công an nhận định.

Theo Bộ Công an, dù Hiến pháp đã cho thấy bước ngoặt mới về nhận thức, khuôn khổ hiến định về quyền con người. Quyền đời tư cũng có tiến bộ mới. Tuy nhiên, một số khía cạnh của quyền này, trong đó có quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được làm rõ.

Ngoài ra, việc có hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng giúp xây dựng Chính phủ điện tử đồng thời giúp Chính phủ chống chọi với tình trạng tấn công, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.

Dữ liệu cá nhân là đầu vào và giá trị vô tận cho nền kinh tế số

Ở góc độ kinh tế, Bộ Công an đánh giá dữ liệu cá nhân là đầu vào và giá trị vô tận cho nền kinh tế số. Google ví dữ liệu như ánh mặt trời, nếu biết cách khai thác có thể tạo ra giá trị vô tận.

Tuy nhiên, hoạt động thu thập thông tin cá nhân của một số công ty công nghệ đang làm dấy lên nguy cơ tạo ra một cỗ máy với trí thông minh nhân tạo, có thể vận hành độc lập, tập hợp dữ liệu cá nhân của mọi cư dân thế giới. Một số quốc gia cũng đã áp dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động quản lý. Và điều này đặt ra bài toán quản lý nhà nước về chiến lược và pháp luật, sao cho dữ liệu cá nhân được sử dụng đúng mục đích, hạn chế tối đa nguy cơ bị lạm dụng.

Dưới góc độ quốc gia, dữ liệu cá nhân được chuyển hóa từ vấn đề cá nhân sang vấn đề chủ quyền, an ninh đất nước.

Một động lực khác để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Công an cho hay trong năm 2018, Bộ đã tiếp nhận 307 đơn thư, tin báo tố giác tội phạm có liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

“Hiện nay, nhận thức việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng còn hạn chế; tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp thông tin cá nhân trên không gian mạng thường xuyên xảy ra; hoạt động buôn bán dữ liệu cá nhân cũng phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau mà không thông báo cho khách hàng”, Bộ Công an thông tin.

Những quy định cơ bản của quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo Bộ Công an, nội dung của văn bản này chứa đựng các vấn đề cơ bản như: quy định những khái niệm cơ bản liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân; xác định rõ chủ dữ liệu là ai; xác định các nguyên tắc tối thiểu bảo vệ thông tin cá nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực hiện quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân;

Quy định các biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm hại đến quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định cụ thể quyển của công dân đối với dữ liệu cá nhân; quy định rõ các nghĩa vụ của công dân đối với thông tin/dữ liệu cá nhân;

Quy định nhiệm vụ của bên xử lý dữ liệu cá nhân; quy định về xử lý dữ liệu cá nhân; quy định về thu nhập và sử dụng thông tin/dữ liệu cá nhân; quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cá nhân của bên xử lý dữ liệu.

Một số vấn đề khác cũng được điều chỉnh trong luật bảo vệ dữ liệu cá nhân như: đăng ký thông tin; về cơ quan bảo vệ cấp quốc gia đối với dữ liệu cá nhân, về trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong xử lý các thông tin cá nhân như báo chí, truyền thông; quy trình xử lý dữ liệu cá nhân trong một số lĩnh vực đặc biệt như y tế, công nghệ thông tin, giáo dục; vấn đề chuyển giao dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba, cho nước thứ ba.