Bất bình đẳng giới từ những thách thức mang tính văn hoá và tình trạng mất cân bằng giới tính
Trong thời gian gần đây tình trạng bình đẳng giới ở nước ta đã có nhiều tiến bộ nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn khá phổ biến ở một số lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có vấn đề định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Vấn đề này trở thành mối quan tâm của xã hội khi mà những thách thức mang tính văn hoá đã ăn sâu từ trong lịch sử tạo thành định kiến, cách nhìn và những chuẩn mực, quy định, ràng buộc gây nhiều áp lực đối với phụ nữ.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vai trò người phụ nữ Việt Nam vô cùng mờ nhạt, luôn bị coi là thấp kém so với nam giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dường như không được quyết định một vấn đề nào trong cuộc sống mà chỉ mang tính chất thụ động.
Hiện nay, trong xã hội hiện đại, vai trò, vị thế và tiếng nói của người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực đã thay đổi mạnh mẽ, người phụ nữ được phát huy khả năng, năng lực và cống hiến cho sự nghiệp. Tuy nhiên, từ phía gia đình, những " tế bào" vững chắc của xã hội vẫn tồn tại không ít định kiến cổ hủ.
Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng" trọng nam khinh nữ"
Vẫn còn tồn tại những quan niệm bất bình đẳng đối với phụ nữ ngay trong chính gia đình bởi các chuẩn mực giới theo truyền thống văn hoá trước kia vẫn ăn sâu trong nhiều gia đình, dòng họ, nhất là một số gia đình có nhiều thế hệ chung sống. Không ít người, kể cả những nam giới có trình độ vẫn coi việc chính của phụ nữ là sinh con, đẻ cái, tề gia, nội trợ. Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường, con trai là người thừa kế tài sản, có người "chống gậy" nên phải tìm cách sinh con trai bằng mọi giá.
Nhiều gia đình có cả con trai, con gái thì lại có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng ngay trong chính gia đình mình. Con trai luôn có quyền nhiều hơn, được bênh vực hơn chị em gái, việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa cũng chủ yếu dạy con gái làm. Khi các con trưởng thành, lập gia đình thì bố mẹ lại để thừa kế tài sản phần lớn cho con trai, con gái chẳng qua cùng là "con người ta", đi làm dâu thì hưởng phúc nhà chồng… Chính những quan điểm không phù hợp này vô hình trung đã dẫn đến một hệ quả bất bình đẳng, áp đặt những việc không tên trong gia đình lên vai người phụ nữ, biến những thời gian giải quyết việc nhà thành thời gian làm việc không được trả lương.
Mỗi con người dù là nam hay nữ giới đều có những khả năng tiềm ẩn, phụ nữ không nhất thiết phải biết nấu ăn giỏi, một mình nấu cả chục mâm cỗ mà phụ nữ có thể lái máy bay, có thể bay vào vũ trụ nếu từ nhỏ đã được cha mẹ phát hiện và vun đắp khả năng ấy. Thay vì chú trọng phát triển khả năng cá nhân của con cái thì nhiều cha mẹ mặc định, con trai phải hướng ngoại, phải học những nghề dành cho nam giới, còn con gái thì hướng nội và chỉ chọn những việc nhẹ nhàng phù hợp với thể chất… Chính vì quan điểm này, nhiều gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số thường chỉ đầu tư giáo dục cho con trai. Cách phân biệt đối xử này đã làm gia tăng tình trạng bỏ học sớm ở trẻ em gái vùng nông thôn, miền núi…
Định kiến giới góp phần làm bất bình đẳng giới càng sâu sắc
Những khuôn mẫu định kiến giới vẫn hiện hữu ngay từ những cuốn sách, những cuốn truyện mà trẻ được học những năm đầu đời. Trẻ em gái, phụ nữ thường được gắn với các vai trò như nấu ăn, chăm bé, làm việc nhà, công việc thì chủ yếu được minh hoạ là cô giáo, y tá. Trong khi đó, trẻ em trai, nam giới được gắn với các hình ảnh kỹ sư, cảnh sát, bác sĩ hoặc người lãnh đạo, chỉ huy...
Những vấn đề tưởng chừng đơn giản này thực ra có tác động đến nhận thức và một quy ước ngầm về vai trò của giới đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai từ ấu thơ. Bất bình đẳng giới tồn tại dai dẳng từ trong lịch sử và thực sự cho đến nay vẫn chưa giải phóng được triệt để về định kiến giới. Rồi chính những em bé gái được nuôi dạy theo khuôn mẫu xưa, nếp cũ lại là những người mẹ mong sinh được con trai để nối dõi nhà chồng, khi về già lên chức mẹ chồng họ lại mong mình có cháu đích tôn… Đây chính là một cái vòng luẩn quẩn trong tư tưởng đã tạo ra sự bất bình đẳng giới.
Không ít cặp vợ chồng đã sinh 2 con gái khoẻ mạnh, thông minh nhưng vẫn ấp ủ cách này cách kia để có thêm một đứa con trai, nhiều cặp đôi có con đầu lòng là gái thì tìm đủ phương pháp để sinh đứa thứ 2 phải là trai. Khoa học phát triển, nhiều biện pháp có thể áp dụng để lựa chọn, kiểm soát giới tính thai nhi và nhiều người đã chi rất nhiều tiền, thậm chí sang nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn sinh con trai. Đau lòng hơn, có người còn lựa chọn việc bỏ thai khi biết giới tính thai nhi. Thực trạng này tác động tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai gần, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Đàn ông sẽ khó lấy vợ trong tương lai vì thực trạng mất cân bằng giới tính
Theo các nhà khoa học xã hội, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao sẽ tác động tới quá trình hình thành cấu trúc gia đình, đặc biệt với hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi bị dư thừa so với nữ giới do tỷ lệ nữ giới đang giảm dẩn trong cùng một thế hệ. Hệ luỵ là nam giới sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Theo tính toán của các nhà nhân khẩu học, năm 2019, có khoảng 45.900 em gái bị thiếu hụt trong số sinh trong năm, chiếm tới 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra. Nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục cao như hiện nay thì chỉ khoảng hai, ba chục năm tới, sẽ có hàng triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ không thể tìm được bạn đời.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, và thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ khi tăng lên 109,8 và luôn ở ngưỡng trên 111 bé trai/100 bé gái (trừ năm 2009, TSGTKS có giảm nhẹ xuống 110,5 bé trai/100 bé gái). SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).