Bất cập trong quản lý đất đai ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hoá DNNN

PV.

Giải trình tại phiên họp của Quốc hội ngày 28/5/2018 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, những vướng mắc liên quan đến đất đai đã gây ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình cổ phần hóa DNNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp ngày 28/5/2018 của Quốc hội. Nguồn: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp ngày 28/5/2018 của Quốc hội. Nguồn: quochoi.vn

Nhiều bất cập trong quản lý đất đai

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 – 2016 được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp đã chỉ ra nhiều bất cập. Theo đó, nhiều DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ, nhiều diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với NSNN.

Bên cạnh đó, một số DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất. Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - Tiền Giang cho biết, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, hầu hết các tập đoàn tổng công ty nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thế đất vào giá trị DN. Thực tế, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá.

Ông Sơn cũng cho rằng, việc xác định giá đất cụ thể tại một số địa phương còn lúng túng, bộ máy và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc xác định giá đất chưa đáp ứng yêu cầu thông tin về giá đất trên thị trường còn thiếu và độ tin cậy chưa cao. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại quy định liên quan đến xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất và giá trị DNNN khi cổ phần hóa để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và phản ánh đúng giá trị thực tế của DN.

Đại biểu Trần Văn Minh - Quảng Ninh cho rằng, việc quản lý đất đai khi và sau khi cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa. Xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DN sau cổ phần hóa đối với những vị trí đất đắc địa, có giá trị thường cao, còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi tham nhũng gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước. Do đó, cần phải tăng cường quản lý đất đai của DNNN sau cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – TP. Hà Nội nhận định, ngoài trách nhiệm của các tổ chức cổ phần hóa còn có trách nhiệm của UBND hay cơ quan quản lý về đất đai các địa phương khi chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa; Không thực hiện đúng quy định Luật Đất đai mà sử dụng chủ yếu bảng giá do UBND các tỉnh quy định làm giá thấp hơn…

Ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình cổ phần hóa

Đồng tình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội: Trong quá trình cổ phần hóa, những vướng mắc liên quan đến đất đai đã gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ và kết quả của quá trình cổ phần hóa DNNN, phản ánh chưa đầy đủ giá trị DN khi cổ phần hóa cũng như nguyên nhân một số DN, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi cổ phần hóa chuyển DNNN sang công ty cổ phần.

Bộ trưởng dẫn chứng, một số DN sử dụng nhiều diện tích đất vàng tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất đai với địa phương trước khi cổ phần hóa. Thực tế, quá trình UBND tỉnh, thành phố có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường rất chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa. Thêm vào đó, một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai…

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình cổ phần hóa DNNN, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN là rất quan trọng. Đặc biệt, sau cổ phần hóa, chính quyền địa phương nơi DN có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất khi DN có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại, phù hợp với quy hoạch xây dựng.

Để hạn chế những bất cập trong quá trình sắp xếp, xử lý đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay theo phân cấp là các bộ, ngành, các địa phương là chủ sở hữu DN.