Bắt đầu căng sức bán hàng cuối năm

Theo sgtt.vn

(Tài chính) Kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ trì trệ, hơn nữa tết Nguyên đán năm nay lại cận kề tết Dương lịch, Noel nên doanh nghiệp phải lên kế hoạch bán hàng từ sớm mới đạt doanh số. Nhiều doanh nghiệp còn tính tới cắt cử nhân viên túc trực ở các điểm bán để tránh tình trạng “đứt” hàng…

Bắt đầu căng sức bán hàng cuối năm
Do lo ngại sức mua kém, năm nay doanh nghiệp có nhiều sáng kiến để đẩy mạnh bán hàng. Nguồn: internet

Có mặt ở công ty Vissan từ sáng tinh mơ mới cảm nhận được hết không khí chuẩn bị hàng tết ở doanh nghiệp dự kiến sẽ bao phủ tới hơn 40% nguồn thực phẩm tết Nguyên đán sắp tới tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Dương Hoàng Lan, phó quản đốc phụ trách nhãn hàng giò, cho biết, không chỉ 300 công nhân xưởng chế biến giò mà gần trăm công nhân sản xuất lạp xưởng cũng đang tăng ca từ 5 giờ sáng đến tận 11 giờ khuya, làm cả thứ bảy, thậm chí chủ nhật.

Tìm đủ cách bán hàng

Năm nay, vấn đề mà doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tết lo ngại nhất là sức tiêu thụ dự báo khó khăn. Khảo sát thị trường cho thấy, hàng tết có mặt tràn ngập ở siêu thị, cửa hàng, chợ lẻ… Tuy nhiên, năm nay doanh nghiệp có bán hết hàng tết hay không phụ thuộc vào việc họ vận hành các sản phẩm dịch vụ, cung ứng như thế nào.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Saigon Food, mỗi ngày tết doanh nghiệp phải tìm cách để bán được doanh số gấp đôi ngày thường mới có thể đạt chỉ tiêu giống như năm ngoái. Từ suy nghĩ đó, bà Lâm cho hay phương châm bán hàng của Saigon Food năm nay sẽ là “không để đứt hàng tại các điểm bán”. Để làm được điều này, công ty bố trí lịch giao hàng từ 3 giờ sáng. Các ngày cao điểm sẽ giao hàng ba lần/ngày, cứ hết là “châm” ngay. Tại mỗi điểm bán hàng, công ty cắt cử thêm nhân viên túc trực để làm sao đảm bảo lúc nào cũng có hàng trên kệ.

“Chúng tôi cũng lên kế hoạch giao hàng ban đêm, ngày nghỉ. Cứ khi nào người tiêu dùng cần là sản phẩm của Saigon Food có mặt”, bà Lâm nói.

Ngày tết, vào các giờ cao điểm thường hay xảy ra tình trạng kẹt đường, nhiều khi nguồn hàng thực phẩm không tới được thị trường… cũng được doanh nghiệp tính đến. Năm nay, trước tết năm ngày, Vissan được thành phố cấp phép 30 xe tải chạy trong giờ cao điểm. Năm ngày giáp tết còn lại, đội xe chuyên cung cấp thực phẩm bất cứ giờ nào trong ngày của Vissan sẽ tăng lên 60 chiếc.

Lịch phân phối hàng tết của Vissan cũng được công ty lên từ cách nay cả tháng, theo đó, hàng hoá được tập kết đến tất cả điểm bán từ 3 giờ sáng, nếu xảy ra tình trạng kẹt hàng, còn có thêm 20 xe máy để “vượt” qua các điểm tắc đường mang thực phẩm đến một cách nhanh nhất. “Vissan còn phối hợp với siêu thị Co.opmart thuê địa điểm gần siêu thị để đặt các tủ bảo ôn, trữ thực phẩm vào đó, để khi xảy ra cháy hàng có thể lấy ra “tiếp viện” ngay được.

Để đảm bảo doanh số, hút dòng tiền cuối năm về két, một số doanh nghiệp còn có sáng kiến giảm giá, khuyến mãi trực tiếp đến hệ thống đại lý để họ san sẻ trách nhiệm “đẩy” hàng tết. Từ ngày 18.11.2013 – 31.1.2014, Vissan thực hiện giảm giá 8.000 đồng mỗi ký lạp xưởng và “chạy” thêm chương trình khuyến mãi mỗi ký thêm 2.000 đồng.

Không nhiều sản phẩm mới

Khảo sát tại các xưởng sản xuất thực phẩm tết cho thấy, năm nay các doanh nghiệp hầu như không có sự đầu tư đáng kể nào cho các dòng sản phẩm mới. Sản phẩm truyền thống đang sản xuất phổ biến vẫn là các loại giò chả và lạp xưởng, kế đến là các món ăn nhanh như xúc xích, thịt xông khói, giò heo rút xương, đồ hộp, jambon…

Tại công ty Vissan, doanh nghiệp nắm thị phần thực phẩm tết lớn nhất TP. Hồ Chí Minh, theo ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc, tết năm nay chuẩn bị tới 3.670 tấn hàng chế biến với khoảng 400 sản phẩm các loại, nhưng chủ lực vẫn là các món lặp đi lặp lại nhiều năm như giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, nem, thịt kho sẵn…

Thực đơn tết năm nay của tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Saigon Food, Cầu Tre, D&F hoặc một số hệ thống siêu thị có nhãn hàng riêng… cũng loanh quanh với các món cũ, riêng có Saigon Food sản xuất thêm được năm loại cháo dinh dưỡng dành cho trẻ em, người già nhưng về cơ bản vẫn chỉ được làm trên nền tảng công thức của các món cháo từ năm trước.

Doanh nghiệp cho rằng để tung ra một sản phẩm mới không hề đơn giản trong khi việc nghiên cứu sản phẩm mới không chỉ tốn kém về mặt thời gian mà còn tốn nhiều chi phí. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế khó khăn, người dùng dè sẻn chi tiêu, nên doanh nghiệp cũng rất sợ sản phẩm mới làm ra… bị ế. Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai (D&F) còn nói rằng, tết của người Việt thường gắn liền với các món ăn truyền thống – một cách biện minh cho suy nghĩ ra sản phẩm mới dịp này là không thích hợp.