Bất động sản 6 tháng cuối năm: Nhu cầu thực dẫn dắt thị trường
Thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2016 được đánh giá là đang chững lại so với năm 2015 khi lượng căn hộ mở bán mới và lượng giao dịch sụt giảm. Điều này có đáng lo ngại? Kịch bản nào cho thị trường BĐS trong 6 tháng cuối năm?
Cẩn trọng hơn khi chào bán
Theo báo cáo của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, quý II.2016 thị trường BĐS tại Hà Nội có tổng cộng 6.100 căn hộ được mở bán từ 17 dự án mới, tăng 19% so với quý trước, nhưng giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính có khoảng 4.860 căn hộ giao dịch thành công trong quý II, tăng 20% so với quý I.2016, nhưng giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu của CBRE Nguyễn Hoài An cho biết, mặc dù lượng căn hộ mở bán và giao dịch 6 tháng qua đều giảm so cùng kỳ năm trước, nhưng mức độ giảm không quá lo ngại. Khoảng cách giữa số lượng dự án chào bán mới và lượng giao dịch đã rút ngắn. Chẳng hạn, trước đây, chào bán 100 căn thì có 60 căn được giao dịch, còn hiện nay 100 căn chào bán thì 90 căn được giao dịch. Khoảng cách giữa căn hộ mở bán mới và căn hộ được giao dịch “hẹp lại” chứng tỏ các chủ đầu tư đã kỹ lưỡng hơn trong việc chào bán dự án mới ra thị trường. Động thái thị trường BĐS nửa đầu 2016 cho thấy các nhà đầu tư đã cân nhắc cẩn trọng hơn về nhu cầu thực của thị trường trước khi quyết định tung sản phẩm ra bán.
Đây cũng được xem là điểm nhấn đáng chú ý của thị trường BĐS Hà Nội. Tổng giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam Marc Townsend cho rằng, điểm sáng là phân khúc căn hộ hạng sang. Sự trở lại của căn hộ hạng sang trên thị trường thể hiện rõ khi một dự án tiếp tục được chào bán kể từ lần đầu tiên vào năm 2015 và hai dự án mới ra mắt thị trường, đã cung cấp cho toàn thị trường khoảng 700 căn hộ. Tỷ lệ lượng giao dịch của căn hộ hạng sang đạt mức khả quan nhất định, đặc biệt là từ dự án chào bán mới. Giá thứ cấp căn hộ hạng sang tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá căn hộ trung cấp và cao cấp giảm 1,6% và 1,3%, còn căn hộ phân khúc bình dân giá ổn định.
Thị trường sẽ duy trì tích cực
Giám đốc bộ phận nghiên cứu của CBRE Nguyễn Hoài An phân tích, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng giao dịch căn hộ đạt 8.900 căn, trong đó phân khúc trung cấp chiếm tới hơn 40%. Cũng có thêm một điểm quan trọng khác là với căn hộ bình dân (phân khúc từng một thời thống lĩnh thị trường), tỷ lệ giao dịch của phân khúc này lại giảm còn 20% trong 6 tháng qua, so với 26% năm 2015, và 49% năm 2013 và 33% năm 2014. Tuy nhiên, cũng có một số dự án đã tăng mức giá khoảng 4%-6% so với năm trước, đặc biệt tại các dự án có vị trí tốt với khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai.
Hiện tại, giá tăng chủ yếu tại phân khúc cao cấp và trung cấp. Đối với phân khúc cao cấp, giá tăng tại các dự án quy mô lớn của chủ đầu tư có thương hiệu, cung cấp đầy đủ các tiện ích, hạng mục phụ trợ trong khu đô thị. Còn tại phân khúc trung cấp, các dự án có mức giá tốt, ở vị trí thuận tiện tạo cơ hội tăng giá khi bán lại cho các khách hàng đầu tư dường như khá được ưa chuộng.
Trên thị trường thứ cấp, giá bình quân cũng cải thiện 1% theo quý nhưng giảm 1,3% theo năm. Trong các phân khúc, phân khúc hạng sang có mức giá tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, phân khúc cao cấp và trung cấp giảm 1,6% và 1,3% trong khi phân khúc bình dân giữ mức ổn định. So với quý trước, phân khúc bình dân tăng mạnh nhất với 3,8%, các phân khúc khác dao động nhẹ ở mức 0,5% - 0,9%.
Trên thị trường sơ cấp, giá bình quân chứng kiến mức tăng nhẹ từ khoảng 5-7% từ những dự án đã chào bán trước đây. Đặc biệt, thị trường đón nhận thêm ba dự án hạng sang mới, trong đó một dự án chuyển đổi từ bàn giao thô sang bàn giao hoàn thiện, khiến giá bán tăng đáng kể. Hai dự án hạng sang còn lại cũng có mức giá chào bán tương đối cao so với mặt bằng thị trường của phân khúc này.
Bà Nguyễn Hoài An nhấn mạnh, triển vọng từ nay đến cuối năm, lượng cung căn hộ chào bán mới với tốc độ ngang hiện tại. Tính cung cả năm 2016 thì cả lượng căn hộ mở bán và giao dịch có thể tương đương năm 2015. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có nguồn cung lớn hơn Hà Nội. Đặc biệt, thời gian vừa qua TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng rất nhanh dự án mở bán mới. Vì thế, những tháng cuối năm nay, CBRE dự báo thị trường sẽ duy trì tích cực với mức độ cẩn trọng. Chắc chắn nhu cầu mua để ở và mua để đầu tư cho thuê lại sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản.
Tổng giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam Marc Townsend: “Nguồn vốn FDI vào BĐS Việt Nam trong vài năm gần đây chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn FDI vào Việt Nam. Giai đoạn 2007-2008 vốn FDI vào BĐS Việt Nam nhằm nhiều vào sân golf, khu giải trí… Nhưng gần đây nhà đầu tư đã có tính toán và nghiên cứu cẩn trọng hơn, do đó vốn họ rót chủ yếu nhằm vào các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Do đó, dù lượng vốn không nhiều nhưng đây là dấu hiệu tốt của dòng vốn FDI vào Việt Nam một cách bền vững hơn”.