Bất động sản "bay cao" trong thu hút vốn FDI 3 tháng đầu năm


3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đón hơn 1,58 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh BĐS thu hút hơn 1,58 tỷ USD vốn FDI trong 3 tháng. Ảnh: Phạm Nguyễn
Ngành kinh doanh BĐS thu hút hơn 1,58 tỷ USD vốn FDI trong 3 tháng. Ảnh: Phạm Nguyễn

Số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Tiếp tục giữ vững "phong độ", ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) thu hút hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi quy mô dân số trên 100 triệu dân, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có hơn 10 triệu dân. Điều này dẫn đến nhu cầu về nhà ở và văn phòng tại 2 thành phố này tương đối lớn.

Bên cạnh đó, một yếu tố nữa là cam kết của Chính phủ trong việc thu hút FDI, hỗ trợ các khu công nghiệp đã tạo hấp lực của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, ông Khương cho rằng, có thể chia thành 2 hướng đầu tư là đầu tư cấp dự án và đầu tư cấp doanh nghiệp. Dưới lăng kính cấp doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung vào các công ty BĐS niêm yết.

Bất chấp một số thách thức tồn tại lâu dài tại thị trường Việt Nam, chẳng hạn như thủ tục pháp lý, Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thể chế chính trị ổn định.

"Tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua của Việt Nam đã thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong những giai đoạn đầy thử thách. Tuy nhiên, tính phức tạp về quyền sở hữu pháp lý đối với BĐS nhà ở tại Việt Nam vẫn đặt ra những hạn chế đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài", ông lưu ý.

Thị trường BĐS vẫn đang đối diện với không ít thách thức, song, các chuyên gia cũng đánh giá, đây là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài để gia nhập thị trường. Nếu như, trước đây, nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào sẽ ưu tiên phương án đầu tư chiếm quyền kiểm soát, thì giờ đây các nhà đầu tư đã cởi mở hơn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau như: Đầu tư tài chính, góp vốn, hợp tác kinh doanh… để khai thác tối đa tiềm năng thị trường Việt Nam.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chuyển vốn vào các dự án BĐS theo hình thức mua lại cổ phần. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng 20-50 triệu USD. Đặc biệt, thời điểm hiện nay là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn nguồn tiền có thể chờ đợi, bắt đầu thu gom, mua hoặc đầu tư vào các dự án BĐS đang cần vốn.

 

Hà Nội đứng đầu trong thu hút vốn FDI

3 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51,3% so với cùng kỳ. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 1,05 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư.

Trung Quốc là đối tác lớn nhất về số dự án đầu tư mới (chiếm 27,8%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,8%).

Trong các địa phương, Hà Nội đứng đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký với hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 6,1 lần so với cùng kỳ. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Nếu xét về số dự án, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 38,4%), điều chỉnh vốn (chiếm 17,3%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 72,7%).

Theo Vũ Phạm/nhadautu.vn