Bất động sản có chu kỳ “bong bóng” 10 năm?
Thị trường bất động sản thời gian tới ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng” - Đây là nhận định của ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, căn cứ vào những yêu tố thực tế, việc lo ngại thị trường bất động sản xảy ra “bong bóng” sau chu kỳ 10 năm là không có cơ sở.
Phóng viên: Hiện tượng "bong bóng" bất động sản có thể xảy ra căn cứ vào những yếu tố nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Thị trường bất động sản thường chỉ xảy ra phát triển quá nóng, “bong bóng” khi có đồng thời hoặc phần lớn các yếu tố sau: Kinh tế vĩ mô không ổn định; Các thị trường đầu tư khác kém hấp dẫn; Nguồn cung các loại sản phẩm bất động sản bị hạn chế; Chính sách tài chính, tín dụng bất động sản bị buông lỏng, chuẩn tín dụng bị hạ thấp; Nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản quá lớn; Thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước vào thị trường.
Đánh giá các yếu tố nêu trên trong ngắn hạn (1-2 năm tới) cho thấy: Kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục phát triển ổn định, một số cơ chế, chính sách pháp luật mới được ban hành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển, đáp ứng thêm nguồn cung bất động sản ở mọi loại hình, phân khúc.
Chính sách tín dụng bất động sản hiện đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hiệu quả, dư nợ tín dụng đang ở mức cho phép, lãi suất được duy trì tương đối ổn định, cung cấp tín dụng có kiểm soát đối với các phân khúc bất động sản cao cấp, tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, phân khúc nhà ở xã hội cũng được ưu tiên cấp tín dụng một cách hợp lý.
Tuy nhiên, năm 2020, đất nền một số tỉnh, thành đã “sốt ảo”, phân khúc nhà ở lệch pha cung cầu, thị trường bất động sản thời gian tới liệu có khả quan?
Thực tế, không thể loại bỏ khả năng thị trường trong năm tới có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thị trường cũng có thể sụt giảm ở một số phân khúc do không có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho một số dự án bất động sản, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ông có thể chia sẻ cụ thể về các giải pháp mà Bộ Xây dựng đang tiến hành?
Trước tiên, đó là sự công khai, minh bạch; giải quyết tốt nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là việc phát triển nhà ở xã hội.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 99/2015, 100/2015 và 101/2015 để phát triển ổn định các dự án nhà ở.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản để kịp thời ngăn chặn, không để thị trường bất động sản xảy ra tình trạng "sốt nóng".
Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, thông qua đổi mới, bổ sung cơ chế chính sách, công cụ quản lý để thị trường cân bằng các phân khúc, không lệch pha cung cầu.
Xin cảm ơn ông!