Bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng về chỗ ở và du lịch. Do đó, nhiều chuyên gia dự báo các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài sẽ rất quan tâm tới thị trường này. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài nào đã và đang chiếm ưu thế đang là câu hỏi khiến dư luận quan tâm?

Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ làm tăng tính cạnh tranh ở cả lĩnh vực phân phối và phát triển, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà. Nguồn: Internet
Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ làm tăng tính cạnh tranh ở cả lĩnh vực phân phối và phát triển, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà. Nguồn: Internet

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào gần 20 ngành, lĩnh vực; trong đó lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai, có 30 dự án cấp mới với tổng số vốn 345 triệu USD, kinh doanh bất động sản đứng thứ 3, có 17 dự án cấp mới với 312 triệu USD.

Nhà đầu tư nào chiếm ưu thế?

Năm 2017, thị trường chứng kiến hoạt động M&A diễn ra sôi động với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư châu Á đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… Có những thương vụ lên tới hàng tỷ USD. Chính vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cũng đã nêu lên vấn đề các nhà đầu tư đến từ khu vực nào sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản. 

Theo đại diện Savills Việt Nam, hiện hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đang được triển khai bởi các nhà đầu tư châu Á có phần sôi nổi hơn các đại diện đến từ khu vực Âu Mỹ, do sự khác biệt về văn hoá, về pháp lý, về khoảng cách địa lý.

Một loạt doanh nghiệp bất động sản đã được các công ty của Singapore “thâu tóm”, trong đó, công ty Keppel Land (Singapore) đã nắm 16% cổ phần còn lại của dự án khu phức hợp ở khu trung tâm Tp. HCM Saigon Centre. 

Hongkong Land sẽ trở thành đối tác chiến lược với công ty Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật Tp.HCM (CII) để phát triển nhà ở tại khu độ thị mới Thủ Thiêm. Kajima, Mitsubishi và Maeda đã nối dài danh sách các công ty Nhật Bản hướng vào thị trường bất động sản Việt Nam…

Các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ thường tham gia là lĩnh vực tài chính, chứng khoán, với việc niêm yết trên sàn giao dịch ở danh mục bất động sản. 

Đại diện Savills cho rằng trên thực tế, các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ít hơn, nhưng phân tích các báo cáo, hồ sơ thì có thể thấy số lượng các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ tham gia vào chứng khoán bất động sản không ít hơn những nhà đầu tư Châu Á.

Sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ châu Âu, châu Mỹ chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến bất động sản như quản lý vận hành văn phòng, resort, khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, tư vấn đầu tư, nghiên cứu thị trường, kết nối khu công nghiệp… 

Chính sách cởi mở

Theo đánh giá của Savills, Việt Nam là thị trường đầy lực hút trong lĩnh vực bất động sản nên các nhà đầu tư từ châu Âu, châu Mỹ không dễ dàng “bỏ qua” thị trường này.

Năm 2017, thị trường bất động sản đón nhận 36 tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tình hình chính trị – xã hội của Việt Nam tương đối ổn định.

Nhận định về dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam, đại diện Savills Việt Nam – cho rằng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại một nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng của Việt Nam. Cùng với dòng vốn nội, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi thuần túy từ sự hiện diện của một dòng vốn lớn chung.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc. Như vậy, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ “tương thích” hơn nữa với các nước phát triển trong khu vực.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã quyết định lựa chọn du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, chính sách sẽ cởi mở hơn, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động hơn nữa để đón nhận nhà đầu tư nước ngoài. 

Khi nhà đầu tư nước ngoài vào thì thị trường sẽ trở nên đa dạng hơn, minh bạch hơn với cách thức quản lý, quản trị chuyên nghiệp. Điều này là một nền tảng vững chắc để thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững. 

Ở một góc nhìn khác, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ làm tăng tính cạnh tranh ở cả lĩnh vực phân phối và phát triển, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà. 

Khi đó, các công ty luôn trong áp lực phát triển từ một thị trường lớn nên họ phải tích cực tìm kiếm cho mình những giải pháp mới; không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh cũng như sản phẩm bất động sản.

Mặt khác, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển bất động sản.