Doanh nghiệp bất động sản tìm hướng huy động vốn
Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản thời gian qua không thể không kể đến vai trò của ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, năm 2018, các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn hơn khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt vốn cho lĩnh vực bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản đang “hối hả” tìm thêm nguồn vốn khác phục vụ đầu tư, phát triển.
Kết thúc năm 2017, mở ra năm 2018 với những tín hiệu lạc quan cho kinh tế vĩ mô, nền tảng tài chính được củng cố và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các thị trường khác, trong đó có thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ngày 28/12/2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Tiếp theo đó, ngày 23/1/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn số 563/NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Siết chặt tín dụng bất động sản
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng Thông tư trên sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững, thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Như vậy, các doanh nghiệp trước tiên cần đảm bảo đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng theo chính sách mới như tiến độ thực hiện dự án, chất lượng công trình, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, lợi nhuận kinh doanh… Thời gian dự kiến áp dụng Thông tư 19, từ ngày 01/01/2019, không còn xa.
Những kinh nghiệm thu nhận trong giai đoạn phát triển quá nóng thị trường bất động sản 10 năm trước đây đã cho thấy những bài học quý giá để định hướng đúng nguồn vốn và ngăn ngừa rủi ro tiềm ẩn. Đây là vấn đề được các nhà quản lý hết sức quan tâm để quản lý tốt được nguồn vốn.
Cùng với việc dòng tín dụng cho bất động sản bị hạn chế trong thời gian gần đây, trên thị trường hiện cũng đang xuất hiện nhiều xu hướng_huy động vốn_mới của các chủ đầu tư địa ốc.
Với sự tích cực của thị trường bất động sản năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã đạt mức kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận trong năm so với 2016, thậm chí cao hơn nhiều so với những năm trước đó.
Một trong những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm vừa qua là công ty cổ phần Dịch vụ và xây dựng Địa ốc Đất Xanh. Doanh nghiệp này vừa thông qua kết quả kinh doanh năm 2017 với doanh thu ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016, hoàn thành 91% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của Đất Xanh ước đạt 750 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016.
Tương tự, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017, công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đạt doanh thu thuần 1.524 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 52% đạt gần 540 tỷ đồng.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn thành công trong năm qua. Cuối tháng 9/2017, LDG đã công bố hoàn tất đợt chào bán 53,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ thu về 535 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ từ 1.064 tỷ đồng lên gần 1.600 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 7/2017, CEO Group đã phát hành thành công 51,5 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 1.544 tỷ đồng.
Trong năm qua, thị trường cũng chứng kiến làn sóng lên sàn của không ít doanh nghiệp địa ốc đón cơ hội từ các nhà đầu tư nước ngoài như công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI), công ty cổ phần Đầu tư Everland (EVG), công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op (SID).
Nhận định về nguồn vốn trên thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng với việc tiếp tục siết tín dụng bất động sản trong thời gian tới, nguồn vốn trên thị trường sẽ đến từ khu vực tư nhân, từ thị trường vốn nhiều hơn là từ phía các ngân hàng thương mại.
Theo chuyên gia này, thực tế trong thời gian vừa qua đã cho thấy dòng vốn tư nhân đổ vào thị trường bất động sản rất lớn. Một số phương pháp huy động vốn khác của doanh nghiệp bất động sản hiện nay như ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài, mua bán và sáp nhập (M&A), hoặc tăng vốn điều lệ cũng đã được sử dụng rất thành công.
Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng nguồn vốn huy động từ người dân, tận dụng những thế mạnh của dự án để thu hút khách hàng mua nhà. Từ đó, chủ đầu tư có vốn để đầu tư xây dựng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để có vốn bằng cách bán sản phẩm hay từ thị trường chứng khoán không phải dễ dàng. Doanh nghiệp cần phải có uy tín trên thị trường với các sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng mới có thể huy động vốn thành công.