Bất động sản hút kiều hối
(Taichinh) - Những thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, lượng kiều hối chuyển về địa phương qua các kênh chính thức đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2014.
Từ những tín hiệu khả quan và ổn định của dòng kiều hối, các ý kiến nhận định rằng, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2015 sẽ đạt khoảng 5,3 - 5,5 tỷ USD (cao hơn năm 2014 khoảng 300 - 500 triệu USD).
Theo báo cáo, thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố vào cuối năm 2014, trong giai đoạn 2009-2014 lượng kiều hối được sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nói chung có xu hướng tăng lên.
Trong đó tỷ lệ kiều hối đầu tư vào hoạt động gửi ngân hàng chiếm 30%, sản xuất và dịch vụ chiếm 27 - 30%, đầu tư và kinh doanh vàng chiếm khoảng 20% và thị trường bất động sản chiếm 16 - 17%. Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ kiều hối đầu tư vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh tăng mạnh hơn so với mặt bằng chung cả nước.
Năm 2014, với khoảng 5 tỷ USD kiều hối được chuyển về địa bàn thì có khoảng 71,4% “chảy” vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh nói chung, trong đó riêng khu vực bất động sản có khoảng 22,1% kiều hối được chuyển vào để đầu tư và kinh doanh tại các dự án nhiều khả năng sinh lợi.
Quan sát sau 5 tháng đầu năm tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay có rất nhiều cơ sở để dự báo rằng lượng tiền mà kiều bào đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ nay đến cuối năm 2015 sẽ có khả năng tăng mạnh, cao hơn mức 22,1% của năm ngoái. Những cơ sở này thể hiện ở một số điểm chính như sau:
Thứ nhất, đến thời điểm hiện nay, mặc dù mới chỉ là cam kết nhưng việc đưa ra khả năng hoàn thành vào năm 2018 của dự án tuyến tàu điện ngầm số 1 (Metro số 1) đã trở thành chất xúc tác lớn khiến thị trường bất động sản khu Đông TP. Hồ Chí Minh hết sức sôi động. Hàng loạt các dự án bất động sản tại khu vực quận 2, quận 9 đã được đăng ký từ các năm trước bắt đầu khởi động và có dấu hiệu tăng giá.
Có thể kể ra các dự án như: Dự án Gateway Thảo Điền, Masteri Thảo Điền, Vinhomes Central Park (quận 2); dự án Depot Metro Tower, First Home Premium (Thủ Đức)… Các dự án này đã được người mua nhà chú ý nhiều hơn vì nhận thấy sự thuận tiện trong vấn đề di chuyển khi tốc độ xây dựng tuyến Metro số 1 được đảm bảo. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng nhận thấy rõ và đón đầu được khả năng thanh khoản khi ăn theo tiến độ của tuyến Metro 1.
Thứ hai, vào đầu tháng 7/2015, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực. Theo những quy định mới tại các luật này, các cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 10% nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án nhà ở. Điều này khiến cho nhu cầu của thị trường bất động sản trong nước và nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sẽ tăng lên nhanh chóng. Lượng kiều hối theo đó cũng sẽ được dồn vào các dự án nhà ở tại các khu vực gần trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, cũng phải kể đến tác động từ các dự án có tầm quốc gia như dự án sân bay quốc tế Long Thành. Bởi vừa qua sau khi việc đầu tư dự án này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều tỉnh thành và các đại biểu Quốc hội, giá đất tại các khu vực lân cận dự án này đã bắt đầu nóng lên. Chỉ tính cuối năm 2014 đến nay giá đất Long Thành đã tăng từ 20 - 30%. Các khu vực ven giao lộ của tuyến đường ĐT 769 - Hương lộ 10 và tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong những tháng gần đây được chào bán với giá cao hơn thời điểm đầu năm từ 10-20%.
Như vậy, với sự phục hồi của thị trường bất động sản quanh khu vực TP. Hồ Chí Minh cộng với sự cởi mở của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, hoàn toàn có thể nhận định rằng trong thời gian từ nay đến cuối năm với sự tăng trưởng mạnh của dòng kiều hối, rất có thể lượng tiền đổ về lĩnh vực đất đai, nhà cửa sẽ tăng hơn nhiều so với năm 2014 và so với bình quân chung của những năm gần đây.