Bất động sản Long An chờ đòn bẩy phát triển
Là cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây, có 3 mặt giáp TP. Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản Long An liên tục đón nhận dự án mới. Thế nhưng giới phân tích cho rằng bất động sản Long An vẫn đang thiếu đòn bẩy là hạ tầng giao thông và các đại đô thị lớn để phát triển triển đúng tầm.
Thị trường nhiều tiền năng
Xét về mặt địa lý, Long An gần trung tâm TP. Hồ Chí Minh hơn Đồng Nai và Bình Dương. Đặc biệt, vào năm 2013, TP. Hồ Chí Minh và Long An đã ký kết bản ghi nhớ kết nghĩa và TP. Hồ Chí Minh lấy Long An là cánh tay nối dài với trục kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, Long An có nhiều lợi thế hơn 2 tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh là Bình Dương và Đồng Nai vì có 3 mặt giáp TP. Hồ Chí Minh với khu Tây Bắc là huyện Đức Hòa giáp huyện Hóc Môn và Củ Chi rồi qua quốc lộ 22 để vào TP. Hồ Chí Minh. Phía Nam có huyện Cần Giuộc, Cần Đước giáp quận 7, huyện Bình Chánh và thông qua trục đại lộ Đông - Tây để kết nối vào quận 1, quận 2 đi khu Đông. Khu Tây Nam nối TP Tân An và huyện Đức Hòa theo cao tốc Trung Lương vào TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về mặt địa lý, có thể thấy Long An không phải là một tỉnh tách biệt mà là một vùng của TP. Hồ Chí Minh, hội tụ đầy đủ những yếu tố cho thấy đây là đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, khi thị trường bất động sản các địa phương khác bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, thì thị trường địa ốc Long An lại tăng tốc phát triển với sự xuất hiện của nhiều dự án mới, có quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp tên tuổi.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, thị trường bất động sản Long An phát triển mạnh đến từ việc tỉnh đang thực hiện kết nối vùng, với nhiệm vụ chính là đẩy mạnh giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam bộ. Lợi thế lớn nhất của Long An có được là nằm giữa TP. Hồ Chí Minh với vùng Tây Nam bộ, thông qua trục đường giao thông Quốc lộ 1A và cao tốc Trung Lương.
Theo ông Cần, hai địa phương đang bắt tay nhau phát triển hạ tầng giao thông như mở rộng Quốc lộ 1A, xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các huyện của Long An với các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh. Hiện, các dự án hạ tầng trọng điểm kết nối 2 địa phương và kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam bộ qua Long An có thể kể đến như: sông Vàm Cỏ liền kề hướng ra biển Đông và đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; cao tốc Tân Sơn Nhất - Long An sẽ được đầu tư nối Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long An, tạo thành một vùng liên kết vệ tinh lớn, thu hút giá trị đầu tư trong và ngoài nước.
Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Long An sẽ thuộc về khu Tây TP. Hồ Chí Minh, là một không gian vùng mở rộng, với hướng phát triển thành tiểu vùng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ là khu đô thị hạt nhân trung tâm vùng, kết nối giữa các quận, huyện, thành phố với các huyện của tỉnh Long An như Hậu Nghĩa, Đức Hòa... Các khu đô thị này sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, kết hợp công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm.
Theo quy hoạch mới, Khu đô thị Đức Hòa sẽ là đô thị loại III, là trung tâm hành chính - chính trị, thương mại, dịch vụ của huyện Đức Hòa, trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo cấp vùng, trung tâm công nghiệp tại khu vực Tây Bắc với đường Vành đai 4 chạy xuyên qua, nối 2 khu Tây Bắc và Tây Nam của TP. Hồ Chí Minh.
TP. Tân An sẽ là đô thị loại II với việc trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, y tế, thể thao, giải trí cấp vùng phía Tây Nam của TP. Hồ Chí Minh. Khu đô thị Bến Lức sẽ là trung tâm hành chính - chính trị, thương mại, dịch vụ của huyện Bến Lức, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế, thể thao, thương mại, dịch vụ và công nghiệp cấp vùng. Trong khi Khu đô thị Cần Giuộc sẽ là khu đô thị mang trọng trách xây dựng dịch vụ vui chơi giải trí cấp vùng...
Cần đòn bẩy đại đô thị
Đánh giá về thị trường bất động sản Long An hiện nay, ông Lưu Đình Khẩn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho rằng, Long An hiện có nhiều lợi thế về bất động sản và hướng phát triển thị trường cũng đã được định hình rõ nét.
Theo đó, khu trung tâm TP. Tân An sẽ chú trọng phát triển những khu đô thị hạng sang, các khu Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc sẽ phát triển những dự án bất động sản trung cấp, phục vụ người lao động tại các khu công nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRE cho rằng sự thay đổi mạnh, hoàn thiện tốt hạ tầng giao thông cùng nhiều tuyến đường hiện hữu như Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, kết hợp với nhiều chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư thuận lợi, Long An đã thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản tên tuổi như Thaco, Vingroup, Vạn Thịnh Phát, T&T Group…
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư 36 dự án với diện tích 2.086 ha vào huyện Bến Lức. Còn tại TP. Tân An, Tập đoàn Vingroup đang đầu tư Dự án Vincom Shophouse Tân An, bao gồm Trung tâm thương mại Vincom với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 316 tỷ đồng… Hay mới đây, CTCP Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã xin tỉnh Long An được đầu tư xây dựng đặc khu kinh tế tại địa phương…
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, với việc trong một thời gian ngắn nhiều công trình hạ tầng lớn được triển khai, nhiều siêu dự án cùng lúc đổ bộ vào Long An sẽ làm thay đổi bộ mặt thị trường bất động sản tại đây. Tuy nhiên, để thị trường chính thức phát triển mạnh thì phải có những doanh nghiệp lớn như VinGroup, Novaland… về phát triển dự án đại đô thị khi đó thị trường mới chính thức lấy được vị thế của mình.
“Tôi cho rằng bất động sản Long An tiếp tục chứng kiến sự đột phá trong thời gian tới. Khi hạ tầng giao thông kết nối được xây dựng và làn xong đầu tư vào các khu công nghiệp phát triển mạnh”, ông Vinh nói.
Bà Đỗ Thị Nguyệt Anh, Quản lý bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam cho rằng, ngoài sự phát triển về hạ tầng giao thông, sự phát triển khu công nghiệp (KCN) của Long An cũng sẽ kéo theo nhu cầu đầu tư dòng vốn lớn vào địa phương này, đặc biệt nhu cầu nhà ở đô thị cao cấp cũng sẽ gia tăng theo.
“Hiện Long An có 32 KCN đã được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch với tổng diện tích hơn 11.500 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt gần 87%. Mục tiêu của địa phương này trong năm 2020 là đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, đặc biệt, hướng đến những mô hình phát triển xanh, bền vững. Do đó, Long An gần đây đã thu hút được nhiều KCN diện tích lớn như KCN và đô thị Việt Phát (huyện Thủ Thừa, 1.800 ha), KCN Đức Hòa III - SLICO (huyện Đức Hòa, 196 ha)…”, bà Anh nói.
Ngoài ra, quỹ đất rộng và giá đất thấp cũng là những yếu tố quan trong giúp thị trường bất động sản Long An thu hút nhà đầu tư. Bởi, khi quỹ đất tại những khu vực như: Bình Dương, Đồng Nai hay TP. Hồ Chí Minh… đang dần hạn hẹp và đắt đỏ thì Long An sẽ là một trong những thị trường đầy tiềm năng.
Vì thế, một loạt nhà đầu tư đã đổ xô về Long An để đầu tư như: Khu đô thị Phúc An City (Đức Hòa) của Tập đoàn Trần Anh (Trần Anh Group), West Lakes Golf & Villas là dự án biệt thự kết hợp với sân golf (Đức Hòa) do Công ty cổ phần đầu tư Quốc tế C.S.Q và Trần Anh Group làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đang triển khai dự án Waterpoint (Bến Lức)…