Hội chứng tâm lý “sợ bỏ lỡ” trong lĩnh vực tài chính và bất động sản nhìn từ vụ Alibaba, MyAladinz…
Trong bối cảnh nhiều vụ lừa đảo trong ngành bất động sản, tài chính đã diễn ra trong khoảng vài năm trở lại đây như vụ lừa bán dự án ma, mua đất ngân hàng thanh lý, bán cùng 1 căn hộ/miếng đất cho nhiều khách hàng…
Kỹ thuật giăng bẩy trong ngành bất động sản
Nhìn lại các chiêu trò lừa đảo không còn mới trong khoảng 5 năm trở lại đây như: Lừa bán dự án ma, mua đất ngân hàng thanh lý, bán cùng 1 căn hộ/miếng đất cho nhiều khách hàng, treo đầu dê bán thịt chó… Nhưng các nạn nhân mắc bẫy hàng năm lại gia tăng và điển hình là vụ án Aliababa số lượng nạn nhân hơn 3.500 người với tổng giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Sau mỗi vụ lừa đảo dân tình lại cho nhau những bài học cảnh báo cho mình và người thân nhưng sau đó có thể chính mình lại rơi vào tình cảnh tương tự. Thậm chí có nhiều người hoạt động rất lâu trong ngành cũng bị lừa. Nguyên nhân chủ yếu được phân tích từ người ngoài cuộc là do: lòng tham, thiếu kinh nghiệm nhưng muốn làm giàu nhanh…nhưng ít ai phân tích khía cạnh còn lại là cuộc chiến TÂM LÝ giữa 1 bên lừa đảo và 1 bên bị dính bẫy FOMO.
Hội chứng FOMO “Fear Of Missing Out” xảy ra khi một ai đó cảm thấy mình bỏ rơi, bỏ lỡ một thứ gì đó và những người xung quanh mình bạn bè, đồng nghiệp đang biết hay đang làm thứ gì đó nhiều hơn hay tốt hơn mình. Hội chứng này xảy ra ở hầu hết ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp trong công việc lẫn cuộc sống, đây được xem là nguyên nhân của rất nhiều bi kịch trong cuộc sống hiện nay đặc biệt là khi mạng xã hội phát triển khiến cho thông tin được lan truyền rộng rãi một cách nhanh chóng.
Trong bất động sản quy trình giăng bẫy FOMO thường được thực hiện như sau:
Sử dụng marketing để bơm điều dối trá
Chỉ cần 1 vài thao tác search trên Google tìm kiếm đất đai thì sau 1 ngày hàng loạt quảng cáo sai sự thật từ Facebook/Google/Zalo sẽ tìm tới bạn chẳng hạn như: Cam kết lợi nhuận 20-30% khi đầu tư đất nền ở địa bàn abc, chỉ cần bỏ ra 100 triệu cho 1 lô đất ngay trung tâm Bình Dương/Đồng Nai… hay nhà giá rẻ chỉ từ 1 tỷ đồng ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh…
Mới đầu nhiều người sẽ không quan tâm vì làm gì có chuyện rẻ như vậy và đa phần bỏ qua nhưng chưa dừng tại đó, việc này sẽ tiếp tục diễn ra nhiều ngày sau đó cho tới lúc bạn tin đây là sự thật… Đây là một hiện tượng tâm lý khá phổ biến. Joseph Goebbels (1897 - 1945) - Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã từng nói. “Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật".
Dẫn dụ khách tham quan dự án/căn hộ/nhà
Sau khi sự việc lặp đi lặp lại đủ để cho bạn tin vào các quảng cáo này, theo thường lệ sẽ là câu chuyện liên hệ với bên bán, lúc này bằng mọi giá phải dẫn dụ tham quan dự án, đến bước này có nhiều trường hợp tìm mua nhà ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh mà được chở thẳng tới Long An/Bình Dương… hoặc được dẫn đi một căn nhà khác với chất lượng thấp hơn trên quảng cáo là chuyện rất bình thường.
Chốt sale tại Event mở bán
Giai đoạn thử thách FOMO cao nhất khi tại sự kiện diễn biến tâm lý được đẩy lên liên tục với một loạt thủ thuật như đầu tiên là chim mồi sẽ chen nhau để mua hàng để kiếm suất ưu đãi (được tặng vàng/xe…), hoặc giành suất ưu tiên lô đẹp, hạ giá…. thậm chí hết hàng trong vòng 2h đồng. Bên cạnh đó một loạt lời đường mật được rót vào tai khách hàng như thời cơ vàng mua giá rẻ, thời cơ vàng để làm giàu, bỏ lỡ đợt 1 thì đợt 2 sẽ tăng giá.
Lúc này, những cá nhân có tâm lý yếu, thiếu kiến thức và thậm chí có kiến thức mà thiếu kinh nghiệm cũng dễ dàng bị sập bẫy. Trong bất cứ lần tham gia tìm hiểu các dự án kiểu này Sale thường hay nhắc nhở về việc “nhớ mang theo tiền đặt cọc. Kết quả khi về tới nhà bình tĩnh trở lại… thì đã cọc mất rồi.
Bên cạnh những chiêu thức lừa đảo rõ ràng như ví dụ ở trên, thì các chủ đầu tư vẫn thường khéo léo sử dụng Hội chứng FOMO này để bơm vào các nhà đầu tư những bánh vẽ: pháp lý tốt, gần trung tâm, giá rẻ…hay thậm chí ở những dự án rất xa địa bàn trung tâm ở các vị trí không tốt vẫn bán được với giá rất rất cao. Hội chứng này được thể hiện rõ trong làn sóng đầu tư bất động sản 2008-2012 thị trường đóng băng trong khoảng thời gian hơn 5 năm và hàng loạt cá nhân phá sản, nhiều khu đô thị ma mọc lên và bóng ma này vẫn còn lởn vởn cho tới hơn 10 năm sau.
Lừa đảo trong mác Công nghệ 4.0
Gần đây rất nhiều vụ scandal liên quan tới ma trận đa cấp gọi vốn thời 4.0 (“Mô hình Ponzi”): Tiền ảo – Coin Multi Level Marketing (iFan, Pincoin, bitconnect, Hextra… với số tiền lừa đảo lên tới hàng chục ngàn tỷ). Hay đặc biệt hơn, bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông các hội nhóm, doanh nghiệp như Phái sinh hội (Nobel Global), Wefinex, Goldtime, Liên kết việt… MyAladinz vẫn thu hút được hàng trăm nghìn người tham gia.
Ngày càng nhiều người sập bẫy và trong đó có rất nhiều cá nhân rất kinh nghiệm trong ngành tài chính. Tâm lý làm giàu nhanh, muốn hưởng thụ trọn đời… và tâm lý FOMO đã lấn át lý trí của họ.
Quy trình giăng bẫy FOMO được thực hiện như sau:
Phát tán FOMO
Những nhà đầu tư muốn lôi kéo thêm nhiều người vào mạng lưới để thu lợi thường tạo ra câu chuyện “Dòng tiền thụ động – tự do tài chính”. Hiểu một cách nôm na thì bạn không cần phải làm gì cả, hàng tháng dòng tiền thu vào từ một kết quả đầu tư nào đó. Vẽ thêm câu chuyện hệ thống tạo ra thu nhập trong tương lại như thế nào để tăng độ tin cậy, bên cạnh tạo ra các Cam kết chắc chắn (30-50%/năm…).
Để làm được việc này thì cần phải có những nhân chứng sống – đầu tư rồi và thu tiền về - đã có lãi thực sự. Việc này sẽ tiếp tục diễn ra nhiều ngày sau đó cho tới lúc bạn tin đây là sự thật.
Chốt deal tại Hội thảo
Thông thường khi các nhà đầu tư chưa có uy tín/và chưa thu lợi từ việc đầu tư sẽ khó chốt deal hơn khi dẫn các nạn nhân tới 1 hội thảo được tổ chức ở 1 nơi sang trọng. Bản chất con người rất dễ thao túng – do đó chỉ cần 1 vài thông tin tích cực cùng với 1 cộng đồng gắn kết chen nhau ca tụng. Người tham gia được nghe câu chuyện hàng chục ngàn người khác đã tham gia và có lãi. Như vậy, hội chứng FOMO trỗi dậy trong con người họ.
Để tránh bẫy tâm lý FOMO thì chỉ cần trả lời đủ 3 câu hỏi bên dưới. Nếu toàn bộ là có thì mới xem xét tiếp về cơ hội, nếu chỉ 1 trong 3 là không thì tốt nhất nên dừng lại.
Câu hỏi 1: Có được pháp luật thừa nhận hay chưa?
Câu hỏi 2: Nguồn thu từ hệ thống kinh doanh có thể tạo ra lợi nhuận theo cam kết hàng năm (50-100%/năm)?
Câu hỏi 3: Có hợp đồng ràng buộc về lợi nhuận quyền lợi, nghĩa vụ hay không?