Bất động sản phía Đông Hà Nội: Liệu có khởi sắc?
Từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực phía Đông của Hà Nội được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Hướng đến khu đô thị hiện đại
Không phải đến thời điểm này khu vực phía Đông Hà Nội mới được các nhà đầu tư chú ý. Cuối năm 2017, sau khi Hà Nội công bố thông tin sẽ quy hoạch 4 cây cầu mới bắc qua sông Hồng và sông Đuống đã khiến bất động sản tại những khu vực này trở nên sôi dộng.
Đáng chú ý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực: Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việc này nhằm giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân theo Quyết định mà Thủ tướng đã ban hành năm 2011. Trước thông tin này, nhiều chuyên gia dự đoán thị trường bất động sản tại các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới.
Có xu hướng tăng giá
Nhiều chuyên gia bất động sản nhìn nhận, trong tương lai, giá nhà đất tại khu phía Đông Hà Nội tăng giá là nhờ vào sự phát triển của hạ tầng. Tại khu vực này đã chứng kiến một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ hàng loạt các tập đoàn lớn như: Him Lam với quỹ đất 20ha đất tại Dương Xá (Gia Lâm), 320ha đất tại các phường Long Biên và Cự Khối. Ngoài ra, còn phải kể đến các tập đoàn khác như Vingroup, Sun Group, TNR, MIK Group, Eurowindow, Sunshine Group…. cũng đang cấp tập đầu tư tại đây. Đại diện MIK Group cho biết, sở dĩ họ hướng đầu tư phát triển về khu vực phía Đông là do khu vực này có địa thế đẹp, cao ráo, lại vừa có núi, vừa có sông nên không lo ngập lụt. Xét về mặt phong thủy, đây là vùng đất tiềm năng, sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các sàn giao dịch bất động sản khu vực Gia Lâm, Đông Anh, 1 năm trước đây, nhà đất thổ cư có giá 20 - 30 triệu đồng/m2,nay đã tăng lên 30 - 40 triệu đồng/m2. Phần lớn do hạ tầng phát triển đã làm thay đổi cả thị trường bất động sản.
Trước đây, giá đất tại các khu vực như Thạch Bàn, Bồ Đề hay Lệ Mật… chỉ khoảng 20 - 25 triệu/m2, nay giá giao động khoảng 30 - 40 triệu/m2. So với đầu năm 2018, đầu năm 2019, đất thổ cư có biến động và hứa hẹn sẽ rất sôi động vào giữa và cuối năm khi đồng loạt các dự án lớn được triển khai.
Đáng chú ý, gần đây các chủ đầu tư đã liên tiếp đưa ra thị trường các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề, shophouse… đã thu hút được khá đông khách mua nhà lẫn giới đầu tư tìm đến. Nếu so với thời điểm cuối năm 2018, hiện nay, mặt bằng giá nhà đất tại khu vực Long Biên đã được điều chỉnh tăng nhẹ do nguồn cung không quá nhiều.