Tiết lộ nguyên nhân giá đất vùng ven Hà Nội tăng "phi mã"
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết một trong những nguyên nhân của tình trạng "sốt" đất là do người dân, giới đầu tư thiếu thông tin, hoặc thông tin không được kiểm chứng, mập mờ.
Các dự án đất nền trong quý I/2019 được sự quan tâm lớn của người dân, nhà đầu tư, thậm chí ở một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam... tạo ra những làn sóng rất sôi động, "sốt" đất. Thông tin này được ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chia sẻ tại hội thảo Tiêu điểm bất động sản quý I, xu hướng và cơ hội đầu tư quý II/2019 do Tạp chí điện tử Diễn Đàn Đầu Tư tổ chức ngày 6/4.
Ông Khởi liệt kê một số điểm "nóng" về đất nền ở Hà Nội như huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh. Ở TP. Hồ Chí Minh có huyện Củ Chi, khu vực ven đô. "Ở các địa phương có sốt đất nền, đa phần xảy ra ở các khu vực sắp sáp nhập vào thành phố, hoặc quy hoạch khu đô thị thì sẽ tạo ra sự quan tâm của nhiều người"- ông Khởi nói.
Về việc thời gian qua ở các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh có tình trạng "sốt" đất, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng nguyên nhân đến từ nhiều phía, nhưng trong đó việc nhiễu loạn thông tin về quy hoạch, chính sách khiến thị trường này có phần phức tạp.
"Thông tin ở các khu vực có khả năng "sốt" đất thường chưa được kiểm chứng, chưa rõ ràng. Việc thiếu thông tin, thông tin không rõ ràng có phần lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương"- ông Khởi cho hay.
Ông Khởi dẫn chứng một số thông tin chưa kiểm chứng, thiếu rõ ràng như thông tin sáp nhập huyện, thông tin huyện lên quận, sáp nhập môt số đơn vị hành chính vào thành phố nào đó. Theo ông, những thông tin này không được công khai minh bạch sẽ rất dễ tạo ra "sốt" đất. Cũng không loại trừ các loại tin đồn để tạo sóng thị trường bất động sản.
Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh đến khi nào những thông tin về chính sách, về quy hoạch... chưa được công khai, minh bạch thì tình trạng "sốt" đất vẫn còn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết người dân, dư luận nói về việc "sốt" đất trong thời gian vừa qua nhưng thực tế lượng giao dịch ở một số địa phương như Vân Đồn (Quảng Ninh), Đà Nẵng... đều không cao. "Như Vân Đồn, trong quý I chỉ có khoảng 165 giao dịch"- ông Đính nói.
Ông Đính cũng nhắc lại việc minh bạch thông tin ở các địa phương đang rất thiếu. "Người dân, giới đầu tư khi nghe có tin đồn về quy hoạch, chính sách, nếu thấy có lợi thì họ sẽ vào đầu tư. Việc đầu tư có thể đúng, có thể sai. Nhưng đối với giới đầu tư, khi sai thì họ phải tìm cách để tháo ra, nên thông tin sẽ càng thêm nhiễu, không tránh khỏi tình trạng đầu cơ thổi giá"- ông Đính cho hay.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa 4 huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận vào năm 2020 đã khiến giá đất tại 4 huyện này tăng chóng mặt thời gian đần đây.
Điều đáng nói là trước thời điểm Hà Nội thống nhất lộ trình 4 huyện lên quận vào năm 2020, thông tin này đã được các môi giới truyền tai nhau và từ cuối năm 2018, giá đất tại 4 huyện trên tăng nhanh bất thường.
Tại huyện Đông Anh, theo khảo sát, một số vị trí đất nền, biệt thự, nhà liền kề ở khu Thanh Trì đang được chào bán từ 26-30 triệu đồng/m2, có nơi 35-40 triệu đồng/m2, thậm chí trên 55 triệu đồng/m2. Nhiều vị trí đất phân lô ở khu vực này cũng có giá từ 55-65 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với đầu năm ngoái.
Tại huyện Hoài Đức, đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá cao ngất ngưởng: 120-130 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá chào bán 80 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2017. Ngay cả đất ở các xã An Khánh, An Thượng cũng được chào giá 30-40 triệu đồng/m2, tăng 30%-40%.