Bất động sản tồn kho ảnh hưởng khả năng bơm vốn ra thị trường
Khả năng phục hồi tăng trưởng tín dụng còn rất yếu. Đó là nhận định của ông Tô Duy Lâm, Giám đốc ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh – ngân hàng đang tìm những dự án hiệu quả sau khi lãi suất cho vay đã giảm mạnh.
Theo ông Tô Duy Lâm, “giải phóng hàng tồn kho đang bị vướng bởi thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng đã ảnh hưởng đến việc ngân hàng xử lý nợ xấu và bơm vốn ra thị trường”.
Số liệu căn hộ tồn kho của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh công bố mới nhất lên đến 12.613 căn, tương đương với khoảng 22.414 tỷ đồng. Trong đó, 3.652 căn đã hoàn thành với khoảng hơn hai phần ba loại nhà có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm mới giảm tồn kho căn hộ được 14%, tức là khoảng 2.000 căn (so với tổng số 14.490 căn hộ) được tiêu thụ với tổng giá trị ước tính 2.042 tỷ đồng. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp giảm so với tháng trước, nguyên do sản xuất giảm hay tiêu dùng đang tăng chậm trở lại vẫn chưa được thành phố xác định. Điển hình như hàng ngàn căn hộ đang xây dựng dở dang trong khi nhu cầu nhà ở của người dân còn rất lớn.
Số liệu của NHNN chi nhánh Thành phố cho biết nợ xấu tính đến cuối tháng 5/2013 lại tăng 0,4% so với cuối năm 2012 và lên mức 4,9% mặc dù lãi suất giảm nhanh trong thời gian qua và đã thấp ngang bằng với mức lãi suất cho vay thời kỳ trước năm 2008. Ông Tô Duy Lâm cũng nhắc lại quan điểm của NHNN “quyết không hạ chuẩn tín dụng” trong nỗ lực tăng trưởng dư nợ.
Rốt ráo tháo gỡ tồn kho căn hộ
Đặt mục tiêu giảm lượng BĐS tồn kho khoảng 30-40% trong 6 tháng cuối năm, theo ông Trần Trọng Tuấn, qua thực tế tại các DN nếu trừ những dự án BĐS tạm dừng do thiếu vốn thì vẫn còn những dự án đang thi công với cả nghìn nhân công đang làm việc thường xuyên. Những dự án này tỷ lệ đặt mua, chiếm đến 60-90%, với các mức giá 16 triệu đồng, 23 triệu đồng, thậm chí 35 triệu đồng trên một m2.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng phải có phân tích, đánh giá về giá bán, về đối tượng tiêu thụ cụ thể, để "xây xong để bán chứ không phải xây xong để đó", tăng thêm gánh nặng tồn kho. Cho đến nay Sở Xây dựng cũng đã làm việc với các Sở, ngành liên quan để làm việc với các chủ đầu tư thống nhất cho chuyển 4/9 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 5.882 căn.
Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công thương, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết hàng tồn kho xi măng, sắt, thép cũng như giải quyết cơ sở hạ tầng cho thành phố. Bên cạnh đó, cần làm ráo riết hơn nữa chương trình "Xây dựng Nông thôn mới" vì đây cũng là nơi có thể giải quyết rất nhiều những nhu cầu về các loại mặt hàng để từ đó giải phóng tồn kho.
Trong cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội và giải pháp 6 tháng cuối năm 2013 của TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các ban ngành đề nghị giảm hàng tồn kho phải bơm vốn, trong đó ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho DN.
Ông Tô Duy Lâm nói vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh và thực tế đã chiếm đến 86% trên tổng dư nợ trên địa bàn trong nửa đầu năm 2013. Trong đó dư nợ cho vay với mức lãi suất dưới 12%/năm chiếm 33% tổng dư nợ, lãi suất 12-14%/năm chiếm 55%...
Bên cạnh đó, DN vay vốn sản xuất, kinh doanh tiếp tục được tháo gỡ khó khăn thông qua cơ cấu lại nợ (theo Quyết định 780/QQĐ-NHNN). Đồng thời, để tăng sức mua từ phía người dân, các NHTM sẽ mở rộng cho vay tiêu dùng với những mức lãi suất thấp, ưu đãi trong thời gian đầu.