Bất động sản trung tâm chưa bao giờ hết “nóng”
Vị trí đắc địa, tiềm năng sinh lời lớn và khả năng thanh khoản cao giúp các dự án ở trung tâm đô thị lớn luôn được săn đón.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đô thị hóa rộng khắp của Việt Nam nhiều năm qua đã tạo đà cho các địa phương trên cả nước phát triển khá đồng đều. Trong đó, khu vực trung tâm tại các thành phố giàu tiềm năng có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năng động đã trở thành điểm đến “vàng” của làn sóng đầu tư địa ốc.
Điều này cũng dễ hiểu bởi trung tâm thành phố luôn là khu vực đắc địa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông, nơi có mật độ cư dân đông đúc và quy tụ hầu hết cơ quan hành chính, trung tâm thương mại, giáo dục, văn hóa… quan trọng.
Cùng với tác động của quá trình đô thị hóa, các tuyến phố thương mại, tài chính nhộn nhịp giữa trung tâm bao giờ cũng mang đến tiềm năng kinh doanh cho thuê lớn và cơ hội tăng giá trong dài hạn, khiến cho bất động sản khu vực này càng trở nên “tấc đất tấc vàng”.
Quan sát tại hai thành phố đầu tàu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy khu vực trung tâm đang có mức giá không thua kém với các đô thị đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Đơn cử, giá đất ở các tuyến phố trung tâm của Hà Nội như khu vực phố cổ Hàng Bông, Hàng Trống… được ví ngang ngửa Tokyo, Paris khi được rao trên dưới 1 tỷ đồng mỗi m2. Giá nhà đất tại TP. Hồ Chí Minh cũng không kém cạnh, điển hình con đường triệu đô Đồng Khởi (ở quận 1), nhiều căn nhà ở đây được rao bán với giá lên đến hơn 1,5 - 2 tỷ đồng/m2.
Giá tăng cao khiến tình hình giao dịch, đầu tư tại các khu vực này không mấy sôi động, một phần quan trọng do quỹ đất nội đô gần như cạn kiệt, phần khác do giá đất đã lập đỉnh và dư địa tăng trưởng không còn hấp dẫn. Khi khu vực trung tâm tại các thị trường truyền thống như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… giảm sức hút, nhà đầu tư đã chuyển hướng về các thị trường mới trong nhiều năm nay, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường địa ốc tại hàng loạt thành thị từ Bắc vào Nam.
Một ví dụ rõ nét phải kể tới Hạ Long, thành phố thủ phủ của Quảng Ninh được xem là “miền đất hứa” của nhà đầu tư bất động sản nhờ sở hữu tài nguyên di sản quý giá và vị trí chiến lược ở khu vực Đông Bắc Bộ. Trong đó, hạ tầng đồng bộ và du lịch bùng nổ là tiền đề thúc đẩy giá bất động sản Hạ Long tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.
Đơn cử giá đất nền, liền kề trên các tuyến đường trung tâm Lê Thánh Tông, Nguyễn Văn Cừ hiện đã tăng khoảng 2 - 3 lần so với thời điểm giữa năm 2019. Đáng chú ý, tại khu vực vịnh Cửa Lục - nơi được quy hoạch thành trung tâm mới của Hạ Long sau khi mở rộng, giá đất ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ 20 - 40% tùy vị trí. Đặc biệt, những dự án view vịnh biển như FLC Tropical City Ha Long lại càng được quan tâm nhờ sở hữu vị trí đắc địa hiếm có.
Hay thành phố vùng biên Lào Cai thời gian gần đây đang là “đích ngắm” mới của nhà đầu tư nhờ những bước tiến tăng tốc toàn diện về kinh tế - xã hội để chuẩn bị tiến lên đô thị loại I. Hàng loạt tuyến cao tốc trọng điểm đã và sắp đi vào hoạt động giúp thành phố dần xóa đi ngăn cách của một vùng cao, thông thương thuận lợi với các trung tâm kinh tế “đầu tàu” phía Bắc.
Cùng chính sách chú trọng đầu tư vào hạ tầng đô thị, Lào Cai đang thu hút nhiều chủ đầu tư uy tín như Bitexco, Tập đoàn FLC, Kosy Group… đổ về với các dự án khu đô thị quy mô tọa lạc tại vị trí trung tâm đắc địa, thúc đẩy thị trường bất động sản thành phố cửa khẩu trỗi dậy sôi động.
Với những khu vực đang có tốc độ đô thị hóa rất cao như Tây Nguyên, khi kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua mỗi năm cộng hưởng tiềm năng dồi dào về du lịch thì dư địa để phát triển các loại hình bất động sản tại các thủ phủ là rất lớn.
Như TP. Pleiku (Gia Lai), sự xuất hiện bước đầu của một số dự án khu đô thị có tính đồng bộ FLC Hilltop Gia Lai, Vincom Shophouse Pleiku… đã góp phần thúc đẩy giá đất khu vực trung tâm thành phố tăng trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với vài năm trước đó. Dự báo giá bất động sản ở đây sẽ tiếp tục tăng tích cực sau khi Pleiku chính thức lên đô thị loại I vào ngày 22/1 vừa qua.
Theo nhận định bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, các địa phương tuy quy mô thị trường nhỏ nhưng tốc độ và tỉ lệ hấp thụ có thể rất tốt, biên lợi nhuận tiềm năng có thể cao hơn các thị trường đã phát triển như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn phải lưu ý rằng khẩu vị của cư dân thành thị ngày càng cao, do đó các nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu kĩ càng để có thể đem đến thị trường những loại sản phẩm bất động sản mới chất lượng và bài bản, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.