Bất động sản Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư trên toàn cầu
Theo tờ Korean Investor, những nhà đầu tư Hàn Quốc đang có xu hướng hạn chế đầu tư vào bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu đối với thị trường bất động sản thương mại tại nước ta theo sau sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng mức giá rẻ so với thị trường Trung Quốc và HongKong sẽ thu hút các nhà đầu tư bất động sản toàn cầu đến với Việt Nam.
Theo đó, gần đây nhất có 2 hoạt động đầu tư lớn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc vào thị trường bất động sản Việt Nam: khoản đầu tư vào khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi và khoản đầu tư mua tòa TNR Nguyễn Công Trứ, TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, một nhóm góp vốn của những quỹ lương hưu và trợ cấp Hàn Quốc mới đây vừa đầu tư khoảng 75 triệu USD vào khoản nợ của khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi. Khoản nợ của khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi trước đó được đứng tên bởi Warburg Pincus sau khi công ty cổ phần tư nhân Mỹ này mua lại 50% cổ phần của khách sạn từ VinaCapita với mức giá 100 triệu USD vào đầu năm nay.
Quyền sở hữu số cổ phần còn lại tại khách sạn thuộc về thành phố Hà Nội. Điều này giúp cho khách sạn hưởng lãi suất nợ 5 năm nhờ vào việc thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, theo nguồn tin trong ngành tài chính của tờ báo, ngày 19/10.
Trong khi đó, công ty KORAMCO (Hàn Quốc) đang đàm phán những khâu cuối cùng để mua được tòa nhà văn phòng 25 tầng, TNR Nguyễn Công Trứ, trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Công trình này có diện tích 20 nghìn m2, hiện đang được sở hữu bởi ngân hàng Maritime Bank Việt Nam. Để mua được khối tài sản ước tính lên đến 62 triệu USD, KORAMCO đã góp vốn đầu tư với công ty Bảo hiểm nhân thọ Hanwha (Hàn Quốc).
“Việc mua lại tòa nhà này, nếu thành công, sẽ rất có ý nghĩa, bởi chưa có tiền lệ về việc nhà đầu tư Hàn Quốc mua toàn quyền sở hữu một tòa nhà ở Việt Nam”, một nhà đầu tư bất động sản Hàn Quốc cho biết.
Tờ báo cho rằng những nhà đầu tư Hàn Quốc đang có xu hướng hạn chế đầu tư vào bất động sản Việt Nam. Điều này được các nhà báo của xứ sở Kim Chi lý giải là do các chi phí thuê cao, điều kiện pháp lý chưa chắc chắn và những mối quan hệ sở hữu phức tạp với sự kiểm soát của chính quyền ở nước ta.
Tờ báo này dẫn chứng, vào năm 2008, một khoản đầu tư từ Hàn Quốc vào thị trường bất động sản Việt Nam đến nay vẫn chưa được thanh toán nợ mặc dù dự án đã hoàn thành từ năm 2014, điều này tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tuy nhiên, họ cũng khẳng định nhu cầu đối với thị trường bất động sản thương mại tại Việt Nam theo sau sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng mức giá rẻ so với thị trường Trung Quốc và HongKong đang thu hút các nhà đầu tư bất động sản toàn cầu đến với Việt Nam.