Bắt “ông trùm” sàn vàng ảo IG
(Tài chính) Ngày 25/2, Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội bắt tạm giam Lưu Công Khánh – người sáng lập ra công ty IG, là đối tượng cầm đầu, chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động phạm tội kinh doanh vàng qua tài khoản và vàng miếng tại Công ty IG, cùng 7 đối tượng khác.
Kỹ thuật viên điều hành công ty
Ngày 25/2, Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam 8 đối tượng về hành vi kinh doanh trái phép, xảy ra tại Công ty cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG.
8 đối tượng bị bắt giữ gồm Lưu Công Khánh (sinh năm 1982, quê ở Cư Né, Krông Pắc, Đắk Lắk, hiện ở ngõ 29 Quang Xá, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) – nhân viên kỹ thuật; Phạm Đức Tài (SN 1979, ở Thanh Xuân, Hà Nội) – Phó Giám đốc công ty; Lương Trần Hưng, Vũ Đình Hùng, Trần Hồng Nung, Nguyễn Ngọc Thế, Vũ Văn Thuấn và Lưu Trung Kiên.
Tang vật thu giữ gồm 1,49 tỷ đồng tiền mặt, 1,025 tỷ đồng tiền trong tài khoản, 276 lượng vàng miếng SJC, 8 kg vàng trang sức các loại, 35 máy tính xách tay, 6 cây máy tính CPU, giấy chứng nhận quyền sử đụng đất ở và nhà ở, 2 hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất cùng nhiều giấy tờ tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng…
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Khánh khai nhận thành lập công ty IG từ cuối năm 2013, đặt trụ sở tại 165 Thái Hà, Hà Nội. Sau đó, Khánh mở thêm 2 chi nhánh tại tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa và cũng trực tiếp điều hành hoạt động…
Kết quả điều tra xác định Lưu Công Khánh là người sáng lập ra công ty IG, là đối tượng cầm đầu, chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động phạm tội kinh doanh vàng qua tài khoản và vàng miếng. Đồng thời Khánh là kỹ thuật viên điều hành công ty.
Dưới sự chỉ đạo của Lưu Công Khánh, Phạm Đức Tài đứng ra chỉ đạo thực hiện mua, bán vàng miếng SJC; chỉ đạo, đào tạo các nhân viên kinh doanh cách thức lôi kéo khách hàng; chỉ đạo kế toán công ty viết phiếu chuyển tiền. Khi tiền chuyển vào Công ty IG, Tài chỉ đạo chuyển tiền đi đến tài khoản cá nhân, hoặc rút ra.
Theo điều tra ban đầu, các đối tượng đã lợi dụng chức năng kinh doanh vàng trang sức, quảng cáo trên website vangquocte.net; tuyển dụng rồi tổ chức đào tạo nhân viên cách thức gọi điện, chào mời, tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách đặt lệnh mua, bán vàng qua tài khoản. Đồng thời hướng dẫn nhân viên cách đối phó khi trả lời các cơ quan chức năng.
Các đối tượng lập chi nhánh tại nhiều tỉnh, khi hoạt động có nhiều khách hàng kinh doanh vàng qua tài khoản bị thua lỗ nhiều thì làm thủ tục dừng hoạt động sau đó tìm cách lập thêm chi nhánh, công ty tại tỉnh khác.
Khách hàng mất trắng hàng chục tỷ đồng
Để che giấu hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, kinh doanh vàng miếng, các đối tượng yêu cầu khách hàng ký các hợp đồng môi giới kinh doanh hàng hóa và hợp đồng ủy quyền mua, bán vàng với công ty IG và chi nhánh.
Đặc biệt các đối tượng còn tạo dựng nên công ty Napmig để mua phần mềm MT4 (chuyên để kinh doanh vàng, cặp tỉ giá tiền tệ qua tài khoản) của công ty Meta Quotes. Sau đó, các đối tượng thiết lập thêm các chức năng quản lý khách hàng: xóa lệnh, đóng lệnh giao dịch, tạo nhóm khách hàng, thiết lập chênh lệch giá mua bán… Và giải thích với nhân viên công ty, khách hàng rằng Công ty IG là đối tác của Công ty Napming có trụ sở tại Mỹ, Canada, Úc…
Sau khi ký hợp đồng để kinh doanh vàng qua tài khoản, khách hàng sẽ phải hộp khoản tiền ký quỹ tối thiểu là 2.500 USD, tương đương 55 triệu đồng qua tài khoản, hoặc nộp trực tiếp vào công ty.
Nộp tiền xong, khách hàng được công ty gửi cho một mã giao dịch, hướng dẫn cách tải phần mềm MT4 để thực hiện kinh doanh vàng qua tài khoản. Lượng vàng tối thiểu mỗi lần đặt lệnh mua bán là 0.01 lot (1 lot tương đương 83 cây vàng), tối đa không quá 8 lot. Mỗi lệnh mua, bán khách hàng sẽ bị thu phí 35USD/lot. Nếu khách hàng thắng với số lượng ít sẽ được rút tiền.
Khi khách hàng thắng với số lượng tiền lớn, các đối tượng sẽ can thiệp kỹ thuật để đánh sập mạng, sau đó tạo thông báo của công ty Napmig về nguyên nhân sập là do khách quan. Khi hết số tiền ký quỹ, khách hàng muốn đầu tư tiếp phải nộp thêm tiền vào công ty nếu không sẽ “cháy” tài khoản.
Tiền khách hàng nộp trực tiếp hoặc qua tài khoản vào công ty, và không được hạch toán kế toán hay kê khai thuế. Số tiền này được các đối tượng rút tiền ra mua ô tô, nhà ở và chuyển vào tài khoản của Tài để chi tiêu cá nhân.
Điều tra ban đầu cho thấy, tổng số tiền khách hàng đã nộp vào công ty IG và các chi nhánh là 180 tỷ đồng; số tiền khách đã rút ra là 120 tỷ đồng, số tiền thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng.