Bảy giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công
(Tài chính) Chiều 30-10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu ý kiến, trao đổi rõ hơn với đại biểu Quốc hội về quản lý và sử dụng nợ công.
Vay để đầu tư chiếm 98,4%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, các chỉ số về nợ công vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép nhưng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, về sử dụng tiền vay, qua tổng kết cho thấy, chúng ta vay để đầu tư chiếm 98,4%.
Theo Bộ trưởng, năm 2011 nợ công bằng 50% GDP, năm 2012 là 50,8% GDP, năm 2013 là 54,2%, năm 2014 ước khoảng 60,3% và năm 2015 là 64% GDP.
“Do đó, thứ nhất phải đảm bảo nợ Chính phủ và nợ quốc gia không được vượt quá 50%, nợ công không quá 65% GDP. Thứ hai, đảm bảo trả đầy đủ kịp thời nợ đến hạn và không phát sinh nợ xấu. Thứ ba, cơ cấu các khoản nợ vay trong nước góp phần giảm phụ thuộc vào phần vốn vay nước ngoài và giảm rủi ro tỷ giá”- Bộ trưởng cho biết.
Áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, mặc dù đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhưng việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn tạo áp lực tăng nhanh.
Nghĩa vụ trả nợ của ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng nhanh đặc biệt là trong vài năm tới, một số dự án vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ không hiệu quả làm phát sinh nợ dự phòng, làm tăng chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
''Do cân đối ngân sách khó khăn, nên bố trí trả nợ thấp hơn so với nhu cầu, phải thực hiện phát hành đảo nợ phần nợ gốc. Ta phải đảo nợ để kéo dài thời hạn nợ và rất may nghĩa vụ lãi suất không tăng so với kỳ hạn trước, đồng thời tăng mức bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tăng mức bảo lãnh cho các dự án lớn như dự án ngành điện, hàng không, điện hạt nhân...”- Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, thị trường vốn chưa phát triển, chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ hàng năm nên phải vay từ các nguồn vốn ngắn hạn, tạm thời khác với chi phí cao, làm tăng áp lực trả nợ ngắn hạn.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công
Với những tồn tại qua 5 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu ra một loạt giải pháp để tăng hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công.
Thứ nhất, trình Quốc hội thông qua Luật Ngân sách sửa đổi, Luật Quản lý nợ công sửa đổi để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, chống thất thu qua buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan tạo nguồn thu phát triển bền vững.
Thứ ba, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chống lãng phí trong chi thường xuyên và phát triển, quản lý chặt các khoản chi, tinh giảm biên chế, bộ máy, chi mua sắm tiết kiệm, giảm tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, kết hợp với cơ cấu lại cân đối ngân sách để dành tiền chi đầu tư trả nợ.
Thứ tư, rà soát tổng thể chương trình an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia 2011 - 2015 để cắt giảm, lồng ghép chính sách, xác định lộ trình chính sách phù hợp trong giai đoạn 2016 - 2020.
Thứ năm, tiếp tục các giải pháp phát triển thị trường tài chính, trái phiếu trong nước để cơ cấu lại nợ công, tăng thêm khoản vay trung hạn, dài hạn, hạn chế huy động với thời hạn ngắn, lãi suất cao.
Thứ sáu, ưu tiên bố trí chi trả nợ, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, loại bỏ các dự án không hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ bảo lãnh của Chính phủ, chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay về cho vay lại để giảm thiểu phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính Phủ, tăng cường công tác quản lý nợ.
Thứ bảy, xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 2011 – 2020, thực hiện tính đúng tính đủ mức bội chi, khống chế trần nợ công không quá 65%, nợ nước ngoài không quá 50%.
Phương án nợ công từ nay đến 2020
Về dự tính nợ công đến năm 2020, Bộ trưởng cho biết, yêu cầu huy động vốn trong thời gian tới của Chính phủ và các địa phương là rất lớn. Cụ thể, vay của Chính phủ đảm bảo cân đối ngân sách gồm dự kiến ngân sách tiếp tục bội chi trong năm 2015 là 5% sau đó giảm dần 4% vào năm 2020.
Phát hành Trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch, dự kiến bình quân 50 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2017 – 2020.
Thời gian tới cân đối ngân sách cho trả nợ còn khó khăn do yêu cầu chi trả nợ tăng nhanh, cần tiếp tục thực hiện phát hành để đảo nợ một phần nợ gốc đến hạn.
Vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi về cho các doanh nghiệp vay lại, dự kiến mức giải ngân vay vốn nước ngoài khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm trong đó vay để cho vay lại khoảng 1,5 - 2 tỷ USD/năm.
Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho doanh nghiệp vay thực hiện các dự án trọng điểm với giá trị bảo lãnh bình quân 3 - 4 tỷ USD /năm. Về phát hành Trái phiếu trong nước, mức tăng dư nợ bình quân 10%/năm với nhu cầu vay Chính phủ bảo lãnh từ 60-70 nghìn tỷ /năm.
Vay của chính quyền địa phương khoảng 30 - 45 ngàn tỷ đồng/năm.
Với nhu cầu như vậy, dự báo các chỉ tiêu nợ công như sau:
Nợ công: Năm 2015 là 64% GDP, năm 2016 là 64,9% GDP, năm 2017 là 64% GDP và năm 2020 là 60,2% GDP.
Nợ Chính phủ: Năm 2015 là 48,9%, năm 2016 là 49,4% và năm 2020 46,6% GDP
Nợ Chính Phủ bảo lãnh: Năm 2015 là 14,3%, đến năm 2020 giảm dần còn 12,8% GDP
Nợ chính quyền địa phương duy trì ở mức 6,8% GDP cả giai đoạn 2014-2020
Nghĩa vụ trả nợ bố trí từ ngân sách/thu ngân sách: Năm 2015 là 16,5%, năm 2016 là 17,5% và 2020 là 19,5% GDP
Về đảo nợ: Năm 2015 là 14,4% và năm 2020 còn 12% GDP
Nợ nước ngoài: Năm 2015 là 42,6% Đến 2016 nâng lên là 46,9% 2020 là 46%