"Bệ đỡ" đầu tư công

Theo Thanh Hải/daibieunhandan.vn

Trước thực tế nhiều động lực tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, đầu tư công cần trở thành "bệ đỡ" trong giai đoạn hiện nay. Để đảm nhiệm được vai trò này, cùng với việc phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cũng lưu ý phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đồng thời sớm sửa đổi các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp...

Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm.
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm.

"Biết rồi, khổ lắm..."?

Bên cạnh các kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo của Chính phủ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian này đạt 14 tỷ USD. Số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy, còn nhiều khó khăn, sức hấp dẫn của nền kinh tế nước ta đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Trong đó, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu đã suy giảm bởi dịch bệnh.

Vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là hai động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nước ta. Những dấu hiệu không lạc quan ở hai khu vực này khiến giới chuyên gia không khỏi lo ngại về việc thị trường chứng khoán liên tiếp lập kỷ lục về thanh khoản và chỉ số thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới.

Thị trường bất động sản sôi động; tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Trước thực tế này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá về dòng vốn từ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, những rủi ro có thể xảy ra.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chi tiêu của doanh nghiệp và người dân đều giảm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, Nhà nước phải đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công. Nói cách khác, đầu tư công là "bệ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, "bệ đỡ" này trên thực tế lại chưa thật vững vàng. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của một số địa phương chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành, làm chậm tiến độ một số dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là vấn đề mới nảy sinh. ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) từng tổng kết: "Năm nào cũng vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề trầm kha, cứ đến quý III hàng năm là vấn đề này tiếp tục được nêu ra và trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Tại sao biết rồi mà năm nào cũng cứ chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải thân chinh chỉ đạo, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương.

"Đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chủ yếu chỉ ra hầu hết các nguyên nhân khách quan, còn sự chủ quan thì rất ít?", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi.

Người đứng đầu quan tâm, tình hình sẽ khác

Có thể thấy, để thực hiện các mục tiêu được nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 đặt ra, bên cạnh việc xác định được những giải pháp đúng đắn, đáp ứng “trúng” đòi hỏi của thực tiễn thì công tác triển khai thực hiện cần được quan tâm thích đáng.

Chia sẻ kinh nghiệm giải ngân đầu tư công tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, cuối năm 2020, sau khi Chính phủ họp trực tuyến nhiều lần về giải ngân vốn đầu tư công, giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã triển khai ngay nhiều biện pháp.

Tỉnh Khánh Hòa đã lập một nhóm giúp việc, 15 ngày họp một lần, chỉ đạo quyết liệt các địa bàn, cơ quan triển khai. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo nên dù vẫn giữ bộ máy làm việc cũ, thì đến ngày 31/12/2020, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Khánh Hòa đã đạt 96% - mức cao nhất trong lịch sử từ trước nay. "Đó là do cách điều hành thôi", Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa kinh nghiệm của năm 2020, vì giải ngân vốn đầu tư công không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn thu hút đầu tư xã hội "chạy" theo.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện đúng tiến độ như đã phê duyệt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, ở góc độ khác, trong chỉ đạo thực hiện công tác này cũng phải bảo đảm tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực, những rủi ro về mặt đạo đức.

Lưu ý vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, tạo cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công. Mặt khác, các định mức kinh tế - kỹ thuật còn góp phần thực hiện việc phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. 

“Nếu đơn giá và định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp sẽ làm tăng tổng mức đầu tư và có nhiều vấn đề khác liên quan, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp và gây ra lãng phí, thất thoát. Định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp với các loại công trình cũng dẫn đến việc ban hành các đơn giá không phù hợp”. Phân tích vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, cần hoàn thiện hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công lập, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương; tiến độ triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng; việc bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong một số đề án, chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê duyệt.

Đặc biệt, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là một yêu cầu được Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.