'Bệnh viện nợ xấu' ngày đầu mở cửa... đã quá tải!

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) “Bệnh viện nợ xấu” đã chính thức mở cửa. Hiện mới là bước tiếp đón “bệnh nhân” từ các ngân hàng thương mại. Ngay ở bước đầu tiên, “bệnh viện” này đã quá tải với việc các "bác sỹ" ở đây đã phải làm ngoài giờ, làm cả những ngày nghỉ.

'Bệnh viện nợ xấu' ngày đầu mở cửa... đã quá tải!
“Bệnh viện nợ xấu” đã chính thức mở cửa. Nguồn: internet

Bước đầu quá tải

Chưa đầy một tháng sau khi đi vào hoạt động, ngày 1/10, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký hợp đồng đầu tiên, mua lại 1.723 tỷ đồng nợ xấu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Liên tiếp trong tuần này sẽ là các khoản nợ từ các ngân hàng khác được sang tên.

“Bệnh viện nợ xấu” là cách nói hình ảnh của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC, để mô hình hóa quy trình hoạt động của công ty xử lý nợ xấu này.

Theo đó, sự kiện mua lại nợ của Agribank nói trên đánh dấu sự mở cửa và bắt đầu đón nhận “bệnh nhân”. Bước tiếp theo sẽ là khám bệnh, phân loại bệnh, tìm phương án chữa trị. Và ngay ở bước đầu tiên, “bệnh viện” này đã quá tải.

Ông Hùng cho biết, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19 và Thông tư 20, triển khai Nghị định 53 và cơ bản hoàn thiện khung pháp lý cho VAMC hoạt động, các hội nghị quán triệt thực hiện đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại TP. Hồ Chí Minh, sau hội nghị đã có ngay 5 tổ chức tín dụng đăng ký làm việc để tính bán nợ xấu; tại Hà Nội, do VAMC chưa bố trí được thời gian và xếp lịch, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động tìm đến.

Tính đến ngày 1/10/2013, đã có 10 tổ chức tín dụng đặt vấn đề và gửi hồ sơ về VAMC. Công ty này chưa phân loại được hết. Sự quá tải bước đầu được vị lãnh đạo trên gián tiếp đề cập đến ở thực tế công ty phải làm việc ngoài giờ, làm cả những ngày nghỉ…

Trong số đã gửi hồ sơ về, có 4 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trong đó có 1 ngân hàng quốc doanh. Điều này cho thấy nhu cầu bán nợ xấu có ở các nhóm ngân hàng, không hẳn chỉ ở diện phải tái cơ cấu hay có tỷ lệ trên 3% và bắt buộc phải bán như quy định tại Nghị định 53.

Với số lượng “bệnh nhân” đã gửi về, ông Hùng dự tính ngay trong tháng 10 này VAMC sẽ mua lại khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu; từ nay đến cuối năm mục tiêu là khoảng 35.000 - 40.000 tỷ đồng, tối thiểu là 30.000 tỷ đồng, qua phát hành trái phiếu đặc biệt.

Trong tuần này, sau Agribank, các hợp đồng nối tiếp sẽ đến từ Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Bán cho VAMC, sẽ có thu nhập bất thường?

Như trên, sau khi mua nợ xấu, “bệnh viện” VAMC sẽ thực hiện phân loại, xem xét cơ cấu lại nợ qua phối hợp với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. “Vấn đề là không phải mua nợ về để đấy hoặc để bán tài sản, mà mua về phải tiếp tục phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, hỗ trợ doanh nghiệp để họ tiếp tục ổn định, phát triển”, ông Hùng nói.

Một lý do mà vị đại diện lãnh đạo VAMC nói như vậy là vì giá cả của tài sản thế chấp cho các khoản nợ mua lại, theo ông, hiện chủ yếu là bất động sản và ở mức thấp, thị trường khó khăn. “Lúc này bán rất là phí. Nhiều tổ chức nước ngoài đặt vấn đề mua lại tài sản đảm bảo qua VAMC, nhưng giá hiện nay quá thấp. Khi nền kinh tế khởi sắc, sẽ bán được giá hợp lý hơn mà không bị thâu tóm tài sản với một cái giá rẻ mạt”.

Vậy nên, ông Nguyễn Quốc Hùng dự tính, nếu sau này kinh tế phục hồi và khởi sắc, tài sản đảm bảo cho những khoản nợ xấu đã mua có giá hơn, bán được tốt hơn thì các tổ chức tín dụng sẽ có thu nhập bất thường.

Bởi tính toán mà ông Hùng đưa ra là, theo quy định hiện hành, cùng với việc bán nợ xấu, mỗi năm tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng cho các khoản đó tối thiểu là 20%. Giả sử sau 3 năm, phần trích lập được 60%, tài sản đảm bảo được 80% thì sẽ có thu nhập bất thường; nếu bán được tài sản đảm bảo 100% giá trị thì “sẽ rất hiệu quả”.

Liệu VAMC có đủ sức để xử lý, cơ cấu hoặc thu hồi…, hay như cách nói ở trên là “chữa bệnh” được không? Ông Hùng cho rằng: VAMC là tập hợp của đội ngũ “bác sĩ” giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và đạo đức tốt, hoạt động không vì lợi nhuận, nên đủ sức để thực hiện các kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Bên cạnh hướng trù tính trên, Phó chủ tịch VAMC cũng nhấn mạnh đến lợi ích thực tế là các tổ chức tín dụng có thể có ngay tiền tươi thóc thật khi bán nợ xấu và sở hữu trái phiếu đặc biệt. Họ có thể sử dụng trái phiếu đó để vay tái cấp vốn ở Ngân hàng Nhà nước với hạn mức tới 70%. Lãi suất tái cấp vốn dạng này đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng dự tính tối thiểu là 2%/năm, thấp hơn bình thường để hỗ trợ nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng đầu tư trở lại cho nền kinh tế.

Mặt khác, ông Nguyễn Quốc Hùng lạc quan khi cho rằng, bán xong thì tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng đó sẽ giảm, hạng mức tín nhiệm và vị thế trên thị trường sẽ cải thiện. Đó là một giá trị bên cạnh các con số về vốn.

Tương tự, doanh nghiệp có khoản nợ xấu đó cũng có cơ hội, sau khi VAMC xử lý, trở lại vay vốn ngân hàng nếu có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; bản thân doanh nghiệp cũng có cơ hội để tái cơ cấu để có thể hồi phục và phát triển trở lại. Bởi khi nợ xấu của họ được bán đi, ngân hàng sẽ không còn vướng về điều kiện cho vay hay không phải trích lập dự phòng rủi ro nếu tiếp tục cho vay mới với những doanh nghiệp này.

Vấn đề còn lại là, sau khi mua nợ xấu, VAMC có đủ sức để xử lý, cơ cấu hoặc thu hồi…, hay như cách nói ở trên là “chữa bệnh” được không? Ông Hùng cho rằng, VAMC không đơn độc, ngoài hợp tác với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, còn có sự hỗ trợ của các bộ ngành.

Ngoài ra, vị lãnh đạo trên cũng tự tin khi nói rằng, VAMC là tập hợp của đội ngũ “bác sĩ” giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và đạo đức tốt, hoạt động không vì lợi nhuận, nên đủ sức để thực hiện các kế hoạch và mục tiêu đề ra.